VĂN HỌC HÀ NỘI TRONG CHỐNG PHÁP (1947-1954) VÀ 20 NĂM VĂN HỌC ĐÔ THỊ MIỀN NAM(1956-1975) QUA MỘT SỐ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU

Bài viết góp phần phác thảo diện mạo văn học Hà Nội và văn học Miền Nam; làm rõ thêm văn học Hà Nội trong chống Pháp (1947-1954) và 20 năm văn học Miền Nam trong chống Mĩ (1956-1975) qua những tác phẩm nghiên cứu-phê bình: ''Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954'' của Lê Văn Ba; ''Văn hóa, văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mĩ tại Nam Việt Nam 1954-1975'' của Trần Trọng Đăng Đàn; ''Nhìn lại một chặng đường văn học'' của Trần Hữu Tá.

    Nói văn học Miền Nam 1956-1975, để phân biệt với văn học Miền Bắc cũng thời gian trên, không thể bỏ qua, nếu không nói là cần phải chú ý đến một khu vực tôi muốn xem là “góc khuất” của nó, đó là văn học Hà Nội và Sài Gòn, hai đô thị lớn của dân tộc, suốt 9 năm (1947- 1954) nằm trong sự kiểm soát của chính quyền thực dân. Ở bài viết này, tôi xin phép được đi sâu vào hai khu vực: đó là văn học Hà Nội vùng tạm bị chiếm và văn học Miền Nam 1956-1975.

    Trước 1945, sau thành tựu của quá trình hiện đại hóa, văn học đứng trước nhiệm vụ khẩn thiết giải phóng dân tộc ra khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp kéo dài ngót 80 năm và kiến lập nền dân chủ cộng hòa. Một kỷ nguyên mới mở ra cho dân tộc với thành công của Cách mạng tháng Tám 1945. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau, kể từ 19/12/1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược đất nước ta; cả dân tộc nghe theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”, lại bước vào một cuộc kháng chiến 9 năm - “Chín năm làm một Điện Biên” (Tố Hữu), giành lại được hòa bình trên Miền Bắc với Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954. Nhưng hòa bình cho cả nước đã không giành được vì sự can thiệp của đế quốc Mĩ và chủ trương chống Cộng của chính quyền Miền Nam. Và như vậy, sau kháng chiến chống Pháp 9 năm (1946- 1954) lại diễn ra cuộc chiến chống Mĩ suốt 20 năm (1956-1975), cả dân tộc mới thực hiện được trọn vẹn mục tiêu độc lập, tự do gắn với thống nhất đất nước để cho Bắc, Nam cùng sum họp một nhà.

    Do sự chi phối của thời cuộc như trên nên lịch sử văn học sau 1945 có những góc khuất, đó là vùng văn học đứng ở ngoài cuộc kháng chiến hoặc không tham gia trực diện vào cuộc kháng chiến như văn học Hà Nội trong thời gian từ 1947 đến 1954, sau khi Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết. Và từ 1956 đến 1975 là sự tồn tại song song trên hai miền Bắc và Nam hai nền văn học dưới hai thể chế chính trị khác nhau. Ở Miền Bắc, đó là nền văn học nhằm vào mục tiêu thống nhất đất nước theo phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam. Ở Miền Nam, đó là nền văn học dưới áp lực những ảnh hưởng của Mĩ và phương Tây, chịu sự chi phối của những chính quyền chống Cộng, kể từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu. Hai mươi năm đất nước chia cắt dưới hai thể chế chính trị khác nhau là hai mươi năm cùng tồn tại hai nền văn học với đặc trưng và định hướng khác nhau nhưng không phải không có những mặt có thể bổ sung cho nhau. Phải sau đại thắng mùa xuân 1975, văn học Việt Nam mới có một diện mạo chung trong mục tiêu đi tìm một mô hình phát triển xã hội hợp với quy luật khi thế giới kết thúc cuộc chiến giữa hai phe và nhân loại bước vào kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa.

    Điểm lại một ít tình hình lịch sử như trên để thấy sự cần thiết phải trở lại vài nét những góc khuất trong văn học Hà Nội thời 1947-1954 và có sự đánh giá công bằng những thành tựu và đóng góp của văn học trên cả hai miền giai đoạn 1956-1975.

    Ở góc khuất Hà Nội thời bị Pháp tạm chiếm (1947-1954) vẫn có sự tồn tại những khuynh hướng viết khác nhau tựa như sự tiếp tục văn học trước 1945. Một tín hiệu sinh động gợi dẫn cho ta biết về văn học Hà Nội là truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao viết vào cuối 1948 ở chiến khu Việt Bắc, với hai nhân vật chính của truyện là Độ và Hoàng. Đó là một câu chuyện thực trong quan hệ giữa Nam Cao và Vũ Bằng; một người đi theo kháng chiến là Độ, một người vẫn còn rất quen với lối sống cũ là Hoàng. Hoàng, sau thời gian tản cư, rồi sẽ trở về thành (theo cách nói quen dùng lúc này) “dinh tê” (rentré). Có nghĩa là lực lượng viết ở nội thành (tức Hà Nội bị tạm chiếm) là gồm những người vì nhiều lý do đã không lên chiến khu hoặc ra vùng tự do, đi theo kháng chiến (như Độ); và những người đã đi theo kháng chiến,rồi lại trở về thành (như Hoàng). Do áp lực của chính quyền thực dân, đội ngũ viết ở nội thành, gồm hai bộ phận như trên, không thể có tự do viết như những người đi kháng chiến. Họ phải có cách tránh né thực trạng bằng những đề tài quen thuộc như trước 1945 hoặc nếu có nói đến thực trạng thì cũng phải sao tránh được “lưỡi kéo” kiểm duyệt. Những tên tuổi quen thuộc trong văn học Hà Nội lúc này như Ngọc Giao, Tam Lang, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan, Mộng Sơn, Ngân Giang, Sao Mai, Nguyễn Minh Lang, Thy Thy Tống Ngọc… cùng các nghệ sĩ Lương Xuân Nhị, Bùi Xuân Phái, Sỹ Tiến... đều có tác phẩm và được đọc trong một bộ phận công chúng hẹp ở Hà Nội. Bộ phận văn học này gần như xa lạ với văn học kháng chiến với cái nôi lớn là chiến khu Việt Bắc và các vùng tự do ở Khu Ba, Khu Bốn, Khu Năm, Nam Bộ.

    Điều đáng lưu ý là số rất lớn đội ngũ viết ở Hà Nội hồi 1947-1954, sau ngày Miền Bắc được giải phóng, đã gia nhập vào đội ngũ chung của các nhà văn Việt Nam. Trừ một số ít chuyển vào Nam, còn số lớn vẫn ở lại Miền Bắc hoạt động trong tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam. Thế nhưng không ít những tên tuổi quen thuộc sống và viết trong nội thành hoặc “dinh tê” về thành phải nhận một cách nhìn nghi ngại từ một số người trong giới lãnh đạo và quản lý nghề nghiệp; một số người phải chịu những phán xét nghiêm khắc về lập trường tư tưởng trong suốt một thời gian dài kể từ sau 1956 cho đến hết thập niên 1980.

    Một trường hợp tiêu biểu là nhà văn Ngọc Giao – cây bút quen thuộc của Tiểu thuyết thứ Bảy, tác giả của nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết thuộc khuynh hướng lãng mạn trước 1945. Ngọc Giao đã đi kháng chiến nhưng do hoàn cảnh riêng của gia đình, ông phải trở về Hà Nội. Nhiều tiểu thuyết ông viết trong thời gian 1949-1954 như Quán Gió, Cầu Sương, Đất, Mưa thu… rồi bị phê phán khắc nghiệt trong một bài báo quan trọng của Nguyễn Bắc: Mấy nét về tình hình văn học trong lòng Hà Nội thời kỳ kháng chiến, đăng trên Tạp chí Văn học số 2/1963. Phải đến cuối thế kỷ, sự nghiệp viết của Ngọc Giao mới được đánh giá lại. Cùng với Ngọc Giao, nhiều tên tuổi khác cũng bị theo dõi hoặc ít được tin cậy trong nhiều năm, nhất là trong những cuộc đấu tranh tư tưởng lớn kể từ sau 1956 đến 1975, rồi cho đến 1990.

    Một kết thúc “có hậu” cho khu vực văn học nằm ở góc khuất này là công trình Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 (NXB Hội Nhà văn, 2017) của nhà nghiên cứu Lê Văn Ba. Đây là một công trình sưu tập và nghiên cứu công phu nhằm nhận diện, đánh giá và khôi phục lại các giá trị cho nhiều sáng tạo văn học, nghệ thuật một thời dài bị bỏ qua, bỏ quên hoặc bị phê phán, phủ định. Công trình này được nhận Giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2018.

    Tác giả Lê Văn Ba (1934-2022) là người đã từng sống và hoạt động ở nội thành Hà Nội trong thời gian 1947-1954; đã từng là tù nhân ở Hỏa Lò trong 1 năm. Bằng sự am hiểu, thấu hiểu của một người trong cuộc, và bằng công phu sưu tầm, tìm hiểu về sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở Hà Nội những năm Pháp chiếm đóng trước 1954, ông đã soạn bộ hồi ức biên khảo Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 nhằm “Nhận diện văn nghệ Hà Nội 1947-1954” (chương I) và tôn vinh “Đỉnh cao văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954” (chương II). Cả hai chương là sự trân trọng mọi giá trị vốn có của đội ngũ văn nghệ sĩ sống và viết ở Hà Nội trong 8 năm, sau hơn 60 năm bị lãng quên hoặc bị phê phán, trong đó có nhiều tên tuổi quen thuộc ở lại Miền Bắc sau 1954 hoặc vào Sài Gòn từ năm 1954. Đó là sự xác định, theo quan niệm của tác giả, về những đỉnh cao trong sáng tạo văn học, nghệ thuật: về truyện ngắn, đó là Tiếng khóc của Băng Hồ; về tiểu thuyết, đó là Đất của Ngọc Giao; về phóng sự, đó là Phố Tràng Tiền của Huy Linh; về bút ký, đó là Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng... bên cạnh bức tranh đẹp nhất: Núi rừng Việt Bắc của họa sĩ Nam Sơn; bài hát hay nhất: Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương…

    Để lại nhiều giá trị, khiến người đọc cảm động là bút ký (hoặc hồi ký) Người ở, người đi, đặt ở chương I, gợi lại một thời điểm khó khăn cho chọn lựa giữa ở và đi đối với số lớn người viết Hà Nội trong hai năm 1955- 1956, hai năm chờ đợi thực hiện Hiệp định Genève về Đông Dương… Và gắn với tâm thế ở hoặc đi cho số đông người viết là một “danh sách nhà văn Hà Nội tạm chiếm năm 1954 di cư vào Sài Gòn”.

    Một “danh sách” gồm đến 43 người, trong đó có những tên tuổi quan trọng làm nên diện mạo văn học Miền Nam sau 1954 như Vũ Bằng, Kim Dung, Triều Đẩu, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nhị Lang (tức Thái Lãng, con rể Nhất Linh), Du Tử Lê, Dương Nghiễm Mậu, Thế Phong, Doãn Quốc Sỹ, Thượng Sỹ, Mai Thảo, Nhật Tiến, Lê Văn Trương, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Tỵ… Một số tác giả trong danh sách này sau 1975 xuất hiện trong dòng văn học hải ngoại như Du Tử Lê, Mai Thảo, Nhật Tiến, Thanh Tâm Tuyền…

    Như vậy là do một tình thế đặc biệt của lịch sử, văn học Việt Nam sau 1945 được cấu thành bởi nhiều khu vực và sự nối dài cùng số phận của mỗi khu vực cần một nhìn nhận thấu đáo để không nên bỏ qua hoặc bỏ quên bất cứ khu vực nào với những giá trị cần được đánh giá trên quan điểm lịch sử. Sau góc khuất văn học Hà Nội trong 8 năm bị tạm chiếm 1947-1954 sẽ là văn học Miền Nam 20 năm 1956-1975 và tiếp đó là văn học Việt hải ngoại sau 1975…

    Về văn học Miền Nam từ 1956 đến 1975, để nhận diện được đầy đủ và khách quan về nó, đòi hỏi nhiều công trình chuyên sâu trên nhiều phương diện sưu tập, phân loại, đánh giá. Những công trình như thế cũng đã có. Như tôi biết, ít nhất cũng đã có hai bộ lớn mà tôi may mắn được đọc. Bộ thứ nhất của nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn (1936-2020): Văn hóa, văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mĩ tại Nam Việt Nam 1954- 1975 (854 trang khổ 14cm x 20cm; NXB Thông tin và NXB Long An, in năm 1990). Và bộ thứ hai của PGS Trần Hữu Tá (1937- 2022): Nhìn lại một chặng đường văn học (1090 trang khổ 16cm x 24cm; NXB Thành phố Hồ Chí Minh, in năm 2000). Giữa và sau hai bộ sách lớn này còn nhiều công trình hoặc tiểu luận của nhiều tác giả khác, chẳng hạn chuyên luận Phê bình văn học ở đô thị Miền Nam 1954-1975 (NXB Hội Nhà văn; 2009) của PGS, TS Trần Hoài Anh.

    Tham khảo và đối chiếu hai bộ sách của hai nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn và Trần Hữu Tá trong khoảng cách 10 năm (từ 1990 đến 2000) thấy hướng khai thác và đánh giá là khác nhau khá nhiều. Điều này không khó hiểu nếu trở lại thời điểm 1990 trong bối cảnh Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ và Việt Nam ở vào tình thế chênh vênh khi mất người dẫn đường và bạn đường. Còn thời điểm 2000, đó là khi Việt Nam đã thoát khỏi thế cấm vận và gia nhập ASEAN sau 5 năm. 

    Theo định hướng “phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mĩ”, qua cách trình bày và khái quát của Trần Trọng Đăng Đàn, văn học Miền Nam 1954-1975 gồm 3 nội dung, hoặc 3 khuynh hướng, đó là:

    1) Văn học phục vụ chính trị phản động.
    2) Văn học nhằm đồi trụy hóa con người.
    3) Văn chương phục vụ xã hội tiêu thụ.

    Ở mỗi khuynh hướng, tác giả cho thấy một danh sách đông đảo nhiều chục tác giả tiêu biểu. Chắc chắn là ngoài 3 khuynh hướng trên, văn học Miền Nam trong sự hiện diện đầy đủ của nó, ở địa bàn đô thị, còn có những khuynh hướng khác như khuynh hướng yêu nước, tìm về nguồn dân tộc hoặc khuynh hướng cách mạng gắn với sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam từ tháng 12 năm 1960. Có lý do bộ sách tập trung vào khu vực văn học “phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mĩ” nên không có yêu cầu giới thiệu khu vực tiến bộ, cách mạng này. Nhưng giá tác giả có một giới thuyết tổng thể văn học đô thị Miền Nam trong sự có mặt và xen cài với nhiều khuynh hướng khác ở ngoài ba khuynh hướng trên thì ấn tượng chung sẽ toàn diện và khách quan hơn. Và sự thực là thế, chẳng hạn khi trở lại văn học trước 1945 trong xã hội thuộc địa (tức chủ nghĩa thực dân cũ) với gương mặt chủ đạo là sự đồng hành của cả ba trào lưu: lãng mạn, hiện thực, cách mạng. Còn khuynh hướng nô dịch phục vụ cho ông chủ Tây thì rất hiếm, thậm chí gần như rất ít đất cho sự tồn tại. Có nghĩa là xã hội có u ám, đen tối đến đâu thì văn học, trong sáng tạo của phân số lớn các nhà văn, vẫn là một tấm gương soi cho thấy những nguồn mạch tinh thần cho con người làm điểm tựa. Nguyễn Du và Truyện Kiều - đỉnh cao tuyệt đối của văn chương Việt là sản phẩm của xã hội phong kiến ở đáy sâu một thời có tên Lê mạt. Xã hội thuộc địa với chủ nghĩa thực dân cũ ở giai đoạn kết thúc của nó lại là sự rực rỡ của cả ba trào lưu văn học với những tên tuổi tác gia làm nên một thế hệ Vàng của văn chương-học thuật thế kỷ XX.

    Trở lại với giá trị tổng kết văn học Miền Nam “phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mĩ”, với 3 khuynh hướng chính như trong bộ sách, ta thấy tác giả đã cung cấp cho bạn đọc một cách nhận thức và đánh giá mang đặc trưng của một thời, thời sau 1975 đến 1990, thời của cuộc đấu tranh không khoan nhượng về mặt ý thức hệ, giữa hai hệ thống chính trị, và sự tồn tại của hai phe trên thế giới cho đến 1990, là năm bộ sách được ấn hành. Nhiều sự kiện lớn gắn với ba khuynh hướng chính, trong đời sống văn hóa, văn nghệ đô thị Miền Nam được tác giả khảo sát tỉ mỉ, giúp cho người đọc có được những tư liệu quý, như: sự hưởng ứng (hô ứng) với phong trào Nhân văn - Giai phẩm Miền Bắc trong những năm 1956-1958 ở Miền Nam; hoạt động “chống Cộng” của nhiều nhân vật tiêu biểu trong giới văn nghệ sĩ như Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo…

    Như vậy, hai phần mở đầu của bộ sách, đặc biệt là Phần thứ hai: Văn hóa, văn nghệ thực dân mới nhìn qua bộ phận chủ yếu: văn học (298 trang) có giá trị tham khảo cho ta hiểu việc nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Miền Nam 1956-1975, trong thời gian 1975 đến 1990, có diện mạo chung là như thế.

    Bên cạnh giá trị tham khảo, bộ sách có đóng góp lớn về mặt tư liệu qua Phần thứ ba có tên: Các phụ lục khoa học, chiếm hơn 300 trang. Đây là công phu tác giả trong tìm tòi, khảo sát ở các cơ quan lưu trữ, quản lý báo chí, in ấn, xuất bản nhằm tìm đến gốc những thông tin, chỉ thị của Đảng và Nhà nước trong chỉ đạo, giám sát, kiểm tra đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản từ sau 1975 cho đến trước 1990. Phần này gồm 8 Phụ lục, trong đó đáng lưu ý là các Phụ lục IV: Về sách tiếng Việt bị cấm lưu hành; Phụ lục V: Về sách tiếng Việt tạm được lưu hành; Phụ lục VI: Về sách tiếng Anh tạm được lưu hành; Phụ lục VII: Về sách tiếng Pháp tạm được lưu hành; Phụ lục VIII: Về sách từ điển và khoa học, kỹ thuật bằng ngoại văn được phép lưu hành.

    Tìm đến Phụ lục IV, mục 4- “Các tác giả có sách bị cấm toàn bộ” (tr. 620-641) thì thấy có đến 138 tên tác giả, trong đó có mặt: Bùi Giáng, Chu Tử, Cung Tích Biền, Doãn Quốc Sỹ, Du Tử Lê, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Đinh Hùng, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Phan Anh, Mai Thảo, Nguyên Sa, Nguyễn Vỹ, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Phan Nhật Nam, Phi Long, Quỳnh Dao, Tạ Tỵ, Thế Phong, Thế Uyên, Túy Hồng, Từ Kế Tường, Uyên Thao, Võ Phiến, Vũ Hoàng Chương… Trong số 8 tác giả nước ngoài bị cấm, có: Xôngiênhítxưn, F.Xagăng, Pastecnac… Ở danh mục “Các sách bị cấm lưu hành” có 932 cuốn. Với 138 tác giả bị cấm toàn bộ, và 932 đầu sách bị cấm lưu hành thì có thể xem gần như một sự xóa sổ toàn bộ văn học đô thị Miền Nam 1956-1975. Thống kê này quả rất phù hợp và tương ứng với khái quát về ba khuynh hướng văn học ở Phần thứ hai…

    Một đối chiếu đáng suy nghĩ, văn học trước 1945, trong chế độ thực dân cũ, ngoài khu vực văn học cách mạng hoàn toàn bị cấm thì tất cả các sáng tác hợp pháp thuộc hai dòng lãng mạn và hiện thực đều được công khai ấn hành, trừ một vài cuốn như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan có tín hiệu bị cấm nhưng rồi vẫn đến được với công chúng.

    Chỉ sau 1945 đến nửa đầu thập niên 1980 thì trên Miền Bắc, dòng văn học lãng mạn ở hai khu vực chủ đạo là Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn mới bị phê phán và bị cấm cùng với “chủ nghĩa tự nhiên” ở Vũ Trọng Phụng!.

    Sau các danh mục tác giả và tác phẩm bị cấm là các mục dành cho sách tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp “tạm được lưu hành”. Không biết chữ “tạm” này được dùng với thời gian nào, cho đến lúc nào?

    Phần Các phụ lục khoa học chiếm hơn 300 trang sách này có giá trị cung cấp một tư liệu quý cho ta hiểu từ sau 1975 đến 1990 (khi sách này ra đời), văn học Miền Nam 1956- 1975 được nhìn nhận, đánh giá và xử lý một cách nghiêm khắc như thế nào. Tình hình có khác kể từ 1995 và 2000 trở về sau, khi Việt Nam gia nhập ASEAN và hội nhập sâu vào khu vực và thế giới.

    Một điều chỉnh và bổ sung cần thiết và không quá muộn cho tình hình trên, đó là bộ sách Nhìn lại một chặng đường văn học của PGS Trần Hữu Tá, ấn hành năm 2000. Bộ sách gồm 2 phần: phần thứ nhất là bài khái quát Sau 25 năm nhìn lại (120 trang) và phần thứ hai là (tuyển) Những tác phẩm tiêu biểu của 90 tác giả được chọn (900 trang).

    Ở bài khái quát, sau khi điểm lại tình hình chung về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Miền Nam 1956-1975, tác giả đi sâu vào việc phân tích, nhận diện: Những đặc điểm chủ yếu của khuynh hướng văn học yêu nước, cách mạng (chương II) và Thành tựu của văn học yêu nước, cách mạng (chương III).

    Đánh giá về thành tựu, tác giả cho thấy đây là khu vực trực tiếp kế thừa và phát triển mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước trong văn mạch dân tộc.

    Về đội ngũ viết, trong sự kiểm kê của tác giả, đó là gồm 5 bộ phận:

    - Từng tham gia chống Pháp và ở lại Miền Nam, do sự phân công của tổ chức hoặc có lý do riêng: Lý Văn Sâm, Nguyễn Trọng Tuyển, Thiếu Sơn, Lê Vĩnh Hòa, Dương Tử Giang, Vũ Hạnh, Sơn Nam…

    - Lực lượng trẻ trưởng thành trong phong trào đấu tranh ở đô thị: Nguyễn Thái Bình, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường…

    - Các trí thức khoa học hoặc văn nghệ sĩ muốn tìm một chỗ đứng độc lập, không tham gia chính trị nhưng rồi đã chuyển hướng, đứng về phía nhân dân, cách mạng: Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Vũ Bằng…

    - Những nhân sĩ hoạt động tôn giáo, trí thức Thiên Chúa giáo, linh mục như: Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ; các Giáo sư Lý Chánh Trung, Châu Tâm Luận; nhà báo Thế Nguyên…

    - Những người từng có lúc đi ngược dòng, có sáng tác chống Cộng nhưng khi nhận ra dã tâm xâm lược của Mĩ thì họ trở về với dân tộc, như: Phan Du, Thủy Thủ, Thái Luân, Thái Lãng…

    Tất cả các lực lượng viết như trên hoạt động chủ yếu ở Sài Gòn và các trung tâm đô thị khác như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt.

    Mọi hoạt động sáng tác của các thành phần trên, theo tác giả, có thành tựu đồng đều và chất lượng khá cao trên các khu vực thơ, văn xuôi, lý luận-phê bình.

    Về thơ, với đội ngũ buổi đầu: Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Mặc Khải, Truy Phong, Hà Kiều, Kiên Giang, Phong Sơn, Giang Nam… Sang đầu 1960: Trần Quang Long, Hữu Đạo, Phan Trước Viên, Phan Duy Nhân, Tần Hoài Dạ Vũ, Đông Trình, Yên Thi, Thái Ngọc San, Cao Quảng Văn, Đam San, Trần Vàng Sao, Võ Quê… Có người sớm hi sinh: Trần Quang Long, Phan Trước Viên, Ngô Kha. Thơ của tuổi trẻ trong tranh đấu với cảm hứng trữ tình công dân là cảm hứng chủ đạo, với yếu tố lãng mạn anh hùng như một đặc trưng quan trọng.

    Về truyện, đó là Lý Văn Sâm, Tô Nguyệt Đình, Trang Thế Hy, Dương Tử Giang, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa, Sơn Nam, Vũ Hạnh, Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Phan Du… Và một lực lượng trẻ kế tiếp: Huỳnh Ngọc Sơn, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Hồng Quang, Trần Hữu Lục, Võ Trường Chinh, Thế Vũ, Ngụy Ngữ, Nguyễn Âu Hồng, Trần Duy Phiên, Nguyễn Hoàng Thu...

    Tiểu thuyết cũng có vai trò của nó, với các tên tuổi: Bình Nguyên Lộc, Nhật Tiến, Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Vũ Hạnh...

    Cuối cùng là lý luận-phê bình, với đóng góp của Vũ Hạnh, Lữ Phương, Trần Triệu Luật, Nguyễn Trọng Văn, Trần Nguyên Lan, Nguyễn Khắc Vỹ, Cao Quảng Văn, Vân Trang. Lữ Phương phê phán Đêm không cùng của Lê Xuyên, Đàn bà - đàn ông của Minh Đức - Hoài Trinh, Sống, Tiền, Yêu, Ghen, Loạn của Chu Tử. Lê Nguyên Trung phê phán Lao vào lửa của Nguyễn Thị Thụy Vũ, Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng. Nguyễn Khắc Vỹ phê phán Mưa không ướt đất của Trùng Dương. Vân Trang lên án Chu Tử. Nguyễn Trọng Văn với công trình Phạm Duy đã chết như thế nào?

    Như vậy là phải sau 10 năm - từ 1990 đến 2000, với hai bộ sách của hai nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn và Trần Hữu Tá ta mới có cơ hội nhận diện văn học Miền Nam 1956-1975 ở cả hai khu vực (hoặc bộ phận): một là khu vực “phục vụ chủ nghĩa thực dân mới”, và một là khu vực “yêu nước-cách mạng”. Phải gồm cả hai mới tạo được một bức tranh tổng thể, gồm rất nhiều khuynh hướng trong đối lập và chuyển hóa để đến với mục tiêu độc lập và thống nhất đất nước được thực hiện trọn vẹn ở mốc lịch sử 30/4/1975.

    Thế nhưng dẫu đã có hai công trình lớn, ở hai thời điểm 1990 và 2000, thì diện mạo tổng quan cho văn học Miền Nam 1956-1975 vẫn cần phải được bổ sung theo độ lùi thời gian. Một mặt, đó là sự tiếp nối văn học trong góc khuất Hà Nội 1947-1954, qua công trình của nhà văn-nhà nghiên cứu Lê Văn Ba, được ấn hành năm 2018, như đã nói ở trên. Và mặt khác, là sự tiếp tục về sau, kể từ sau 1975 cho đến nay, với bộ phận tác giả rời Việt Nam định cư ở nước ngoài, số lớn là Hoa Kỳ, trong họ có người vẫn tiếp tục viết, làm nên bộ phận văn học Việt Nam hải ngoại; đó cũng là một nét đặc thù trong lịch sử văn học Việt cuối thế kỷ XX.

    Và nếu một phía là sự gắn nối văn học góc khuất Hà Nội 1947-1954 và văn học hải ngoại sau 1975 thì cũng phải ghi nhớ một gắn nối giữa văn học Miền Bắc xã hội chủ nghĩa 1956-1975 với văn học giải phóng Miền Nam sau 1960 như một bộ phận hữu cơ của nó, gồm những tên tuổi quen thuộc là người Miền Bắc hoặc Miền Nam tập kết ra Bắc, từ sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng ra đời. Tất cả họ được cử hoặc tự nguyện trở về Nam sống và viết dưới những cái tên mới như Anh Đức (Bùi Đức Ái), Nguyễn Sáng (Nguyễn Quang Sáng), Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng), Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Phan Tứ (Lê Khâm), Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc), Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến)...

    Nhưng điều quan trọng hơn, sau yêu cầu nhận thức toàn diện, đầy đủ mọi bộ phận cấu thành của nó, là một chuyển đổi trong cách nhìn, đánh giá để bớt dần những nghiệt ngã, khe khắt ban đầu do sự chi phối của cuộc đấu tranh ý thức hệ và cuộc đối đầu giữa hai phe trên toàn thế giới - trong suốt hành trình lịch sử từ sau 1945 đến 1990, trước khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ. Phải sau 1995 khi Việt Nam gia nhập ASEAN và tiếp đó, trong tiến trình hội nhập sâu vào thế giới thì các giá trị trong di sản mới có điều kiện nới rộng nhờ vào một thái độ bao dung và thỏa đáng trong nhìn nhận và xử lý. Và đó là cảnh quan chung mà chúng ta đang được chứng kiến trong kết thúc thập niên thứ hai của thiên niên kỷ mới hôm nay.

    Nhiều tên tuổi quen thuộc trong văn học Miền Nam trước 1975 nằm trong các danh sách bị cấm một thời đã được độc giả trong cả nước đón nhận, nhiều tên sách được in lại, nhiều nhạc phẩm không còn bị loại bỏ trong các chương trình ca nhạc, không còn ranh giới trước hoặc sau 1975. Những sự kiện và diễn biến như trên cho ta thấy di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc sẽ càng giàu có hơn rất nhiều so với cách chúng ta tiếp cận và xử lý như trước đây.

    Là một người đọc chưa có điều kiện thâm nhập sâu vào thế giới văn học Miền Nam 1956-1975, tôi không dám đưa ra bất cứ khái quát hoặc nhận thức nào về các khuynh hướng viết, về các tác gia, tác phẩm tiêu biểu nào như được dẫn ra cụ thể trong hai công trình của hai đồng nghiệp của tôi là TS Trần Trọng Đăng Đàn và PGS Trần Hữu Tá; và trước đó, về Hà Nội thời tạm chiếm của nhà văn, nhà nghiên cứu Lê Văn Ba. Tôi chỉ có thể tìm đến ba công trình trên như là những điểm tựa cơ bản để từ đó mà kiểm chứng lại các giá trị dần dần được mở rộng theo độ lùi của thời gian và theo độ mở của các quan hệ quốc tế mà Việt Nam đang chủ động đón nhận. Để từ hôm nay, ở thời điểm 2023, ngót 70 năm sau ngày đất nước thống nhất, mà nhìn lại hành trình dân tộc trên quá trình chuyển động từ các giá trị giai cấp sang các giá trị dân tộc và giá trị nhân loại, dẫu đã phải trải nhiều gạt bỏ, phân hóa, gấp khúc, chuyển đoạn nhưng cuối cùng văn hóa Việt và văn chương Việt trong hơn 100 năm hiện đại hóa đã hiện ra như một dòng chảy lớn, xuyên suốt với đóng góp của tất cả các thế hệ viết, qua tất cả các thời kỳ, trên tất cả các địa bàn, dẫu là Bắc hoặc Nam, dẫu là ở trong nước hoặc hải ngoại…

 

Bình luận

    Chưa có bình luận