VẤN ĐỀ ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NHẤT LINH

Trong lịch sử phát triển tiểu thuyết ở Việt Nam, tiểu thuyết của Nhất Linh có một vị trí đặc biệt quan trọng. Với những đổi mới và cách tân trên nhiều phương diện, Nhất Linh đã góp phần đặt nền tảng cho sự hiện đại hóa thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam. Bài viết bàn về vấn đề đối thoại trong tiểu thuyết của Nhất Linh từ bình diện ý thức nghệ thuật và phương thức trần thuật. Trên cơ sở đó, khẳng định những dấu ấn hiện đại hóa trong tiểu thuyết của Nhất Linh.

    Trong tiến trình văn học dân tộc, giai đoạn văn học Việt Nam từ 1900-1945 được coi là thời kỳ vàng đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ từ hệ hình văn học truyền thống sang quỹ đạo văn học hiện đại. Trong đó, nếu ba mươi năm đầu thế kỷ thường được coi là giai đoạn giao thời, đặt bản lề cho sự hiện đại hóa văn học thì mười lăm năm sau đó (1930-1945) được coi là giai đoạn diễn ra vô cùng quyết liệt quá trình hiện đại hóa với sự nở rộ của nhiều khuynh hướng, trào lưu văn học, sự xuất hiện của những thể loại văn học mới gắn liền với những tác gia, tác phẩm để lại các dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn học. Góp phần tạo ra những bước chuyển quyết liệt đó, chúng ta không thể không nhắc đến Nhất Linh – một trong những cây đại thụ với nhiều sáng tác kết tinh tư tưởng và tài năng nghệ thuật như: Gánh hàng hoa (viết chung với Khái Hưng), Lạnh lùng, Bướm trắng, Đoạn tuyệt, Đôi bạn. Bằng những đổi mới tiểu thuyết trên nhiều phương diện, Nhất Linh đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của văn học giai đoạn này – một giai đoạn “văn học phát triển rất mạnh mẽ, có thể nói là bùng nổ, đạt được nhiều thành tựu phong phú, rực rỡ, đặc sắc... vừa mới mẻ về nội dung, vừa già dặn, điêu luyện về nghệ thuật”1.

    Vai trò của Nhất Linh đối với việc hiện đại hóa thể loại tiểu thuyết được ghi nhận trên nhiều phương diện, trong đó có ngôn ngữ đối thoại. Bài viết tiếp cận vấn đề ngôn ngữ đối thoại trong tiểu thuyết Nhất Linh từ hai góc nhìn: ngôn ngữ đối thoại như một phương thức nghệ thuật độc đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật và tính đối thoại trong ngôn ngữ tiểu thuyết Nhất Linh từ góc nhìn siêu ngôn ngữ.

    1. Vấn đề đối thoại trong tiểu thuyết theo quan điểm của M. Bakhtin

    Vấn đề đối thoại trong nghiên cứu văn học lần đầu tiên được đề cập đến thông qua những tư tưởng của triết gia Sokrates (khoảng 470-399 TCN). Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ cổ đại, đối thoại chỉ được xem xét với vị trí như một thể loại văn học ở châu Âu với đặc điểm “nghiêng về nội dung chính luận triết lý, trong đó tư tưởng của tác giả được khai triển dưới dạng trò chuyện, tranh cãi giữa hai người (hoặc nhiều hơn). Thể loại này dựa vào truyền thống giao tiếp trí tuệ bằng lời nói miệng, vốn có ở thời cổ đại Hy Lạp; ngọn nguồn của truyền thống này là hoạt động của Sokrates”2.

    Chỉ đến những năm 20 của thế kỷ XX, trong hệ thống những công trình lý luận của M. Bakhtin về lý luận tiểu thuyết (Những vấn đề thi pháp Dostoievski, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Bàn về ngôn ngữ tiểu thuyết, Tác giả và nhân vật trong hoạt động thẩm mỹ…), trên cơ sở phát triển các quan niệm về đối thoại, nhà lý luận lỗi lạc M. Bakhtin đã góp phần xác lập lý thuyết đối thoại trong tác phẩm văn học (đặc biệt là tiểu thuyết). Trong Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, trên cơ sở chỉ ra giới hạn của những kiểu tiếp cận ngôn từ tiểu thuyết từ góc nhìn phong cách học (mà theo ông “tất cả những kiểu phân tích phong cách học ấy ít nhiều đều xa rời những đặc điểm của thể loại tiểu thuyết, xa rời những điều kiện tồn tại đặc thù của ngôn từ trong tiểu thuyết”3), M. Bakhtin là người đầu tiên đặt ra vấn đề xem xét có hệ thống vấn đề đối thoại trên phương diện đặc trưng thi pháp thể loại. Trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng các ví dụ điển hình, M. Bakhtin kết luận: “ngôn ngữ tiểu thuyết là cả một hệ thống những ngôn ngữ soi sáng lẫn nhau, đối thoại với nhau”4. Bởi vậy, tính đối thoại có thể được xem như là một trong những đặc trưng quan trọng của ngôn ngữ tiểu thuyết.

    Đánh giá về quan điểm của M. Bakhtin về tính đối thoại, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử khẳng định: “Quan niệm đó đã rọi ánh sáng mới vào một đặc trưng của ngôn ngữ học cho đến lúc đó vẫn nằm ngoài phạm vi quan sát của ngôn ngữ học – tính đối thoại. Đó là sự xâm nhập thường xuyên của ngôn từ người khác vào ngôn từ của một chủ thể, tạo thành tính đối thoại bên trong của phát ngôn đó. Người khác đây là kẻ đối thoại, là đối tượng thẩm mĩ, là nhân vật được sáng tạo ra, là chính tác giả khi tự soi mình vào những tấm gương. Đối thoại đây là khái niệm “siêu ngôn ngữ học”, khác với khái niệm đối thoại, hội thoại của ngôn ngữ học chỉ giới hạn trong phạm vi lời hỏi, đáp thường được ghi vào trong ngoặc kép hoặc sau dấu hai chấm đầu dòng. Đối thoại đây là thái độ của ý thức, tư tưởng, biểu hiện qua sự đồng tình, phản đối, khẳng định, phủ định, hoài nghi, chế giễu, nhại lại”5.

    Trên nền tảng những quan niệm về tính đối thoại, Bakhtin đã đi sâu hơn trong việc gợi dẫn những phân tích về tính đối thoại trong tác phẩm văn học. Ông chỉ rõ sự khác biệt giữa “đối thoại lớn” với đối thoại của nhân vật (đối thoại vẫn thường có dấu hiệu nhận biết là được gạch đầu dòng hoặc để trong dấu ngoặc kép). Theo đó, nếu đối thoại nhân vật hướng đến những lời nói cụ thể nhằm mục đích truyền đạt thông tin, chia sẻ giãi bày cảm xúc giữa hai hay nhiều người thì đối thoại lớn “là đối thoại có tính bản chất giữa đời sống loài người và bản thân tư tưởng của loài người, tức là quan hệ đối thoại bình đẳng của các tư tưởng loài người trong cuộc sống”6.

    2. Vấn đề đối thoại trong tiểu thuyết Nhất Linh

    2.1. Đối thoại trong tiểu thuyết Nhất Linh nhìn từ bình diện ý thức nghệ thuật

    Trên nền tảng quan niệm về tính đối thoại của M. Bakhtin, nhìn một cách tổng thể, tiểu thuyết của Nhất Linh là một cuộc đối thoại lớn về tư tưởng trên bình diện ý thức nghệ thuật. Cuộc đối thoại đó được triển khai trên nền tảng một ý thức nghệ thuật mới về con người: con người cá nhân tự do. Xuất phát từ quan niệm nghệ thuật mới về con người, tiểu thuyết của Nhất Linh đã triển khai hàng loạt những cuộc đối thoại nhỏ gắn liền với những vấn đề quan trọng liên quan đến con người cá nhân: đối thoại về vấn đề con người cá nhân với nhu cầu giải phóng tự do (đặc biệt là trong tình yêu và hôn nhân); đối thoại về vấn đề nhận thức, đánh giá lại các giá trị luân lý đạo đức phong kiến… Cuộc đối thoại tư tưởng này được triển khai ở cả cấp độ hư cấu và phi hư cấu.

    Ở cấp độ phi hư cấu, cuộc đối thoại tư tưởng được Nhất Linh trực tiếp khẳng định qua tôn chỉ sáng tạo của Tự lực văn đoàn (nhóm văn học mà Nhất Linh là người sáng lập): đó là “trọng tự do cá nhân; làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa”7. Thực chất, chính sự thức nhận của Nhất Linh về con người cá nhân tự do là nền tảng quan trọng đưa đến thái độ phủ định quyết liệt đạo Khổng với những luật lệ lễ giáo phong kiến và chế độ đại gia đình hà khắc, kiềm tỏa tự do cá nhân của con người.

    Bên cạnh việc bộc lộ tư tưởng đối thoại ở cấp độ phi hư cấu, tinh thần đối thoại đã thâm nhập vào các hình tượng nghệ thuật và biểu hiện thông qua sự mâu thuẫn tư tưởng giữa các tuyến nhân vật đối lập trong tiểu thuyết: tuyến đại diện cho lễ giáo phong kiến (gồm bà Án, bà Nghè, chồng của Nhài (Lạnh lùng); bà Phán, ông Thân, ông chưởng lý, ông bà Hai (Đoạn tuyệt) với đặc điểm là luôn ca ngợi, cổ xúy, thực thi cho chế độ đại gia đình phong kiến và những giá trị luân lý cổ hủ của đạo Khổng, đồng thời lấy những chuẩn mực Nho giáo (tam tòng tứ đức, tam cương ngũ thường...) làm khuôn vàng thước ngọc trong việc duy trì đạo đức gia phong của gia đình) và tuyến nhân vật những người trẻ tuổi đại diện cho những tầng lớp mới trong xã hội (như Nghĩa, Phương, Lũy, Nhài, Lịch (Lạnh lùng); Loan, Dũng, Hoạch, ông trạng sư, ông chánh án, Lâm, Thảo (Đoạn tuyệt)) với đặc điểm là những người trẻ tuổi thuộc tầng lớp tri thức Tây học được tiếp cận với những tư tưởng mới của thời đại như chủ trương giải phóng con người cá nhân khỏi mọi ràng buộc, đặc biệt là trong tình yêu và hôn nhân. Nhất Linh dường như không xây dựng nhân vật phân thân giữa hai chiến tuyến mà thường tồn tại ở thế đối lập: hoặc ở tuyến này, hoặc ở tuyến kia. Bởi vậy, sự tồn tại của hai tuyến nhân vật trong một tiểu thuyết đã chứa đựng trong đó tinh thần của một cuộc đối thoại lớn về tư tưởng. Điều này được thể hiện trong hầu hết tiểu thuyết của Nhất Linh nhưng tiêu biểu hơn cả là Đoạn tuyệtLạnh lùng.

    Trong Đoạn tuyệt, khi mẹ chồng Loan liên tiếp tung ra những đòn, những chiêu “dạy con” và “dạy vợ” theo quan điểm Nho giáo, Loan đã phẫn uất lên tiếng nói: “Ai dạy ai? Động một tý thì dạy. Tôi không cần ai dạy tôi… Phải, có thế mới là đồ mất dạy. Mất dạy là đánh người đàn bà yếu ớt, hèn một lũ!”8. Lời đối thoại ấy (“Ai dạy ai?”; “có thế mới là đồ mất dạy”) của Loan không phải là một phát ngôn đáp trả đơn thuần mà ẩn chứa sau đó là một cuộc đối thoại về tư tưởng. Trong cuộc đối thoại tư tưởng đó, Loan đã dùng chính lời của mẹ chồng và chồng để giễu nhại lại họ. Một sự giễu nhại đầy cay đắng cho quan điểm dạy vợ, dạy con của mẹ con Thân. Họ đã lấy tâm tư của họ ra để làm nền tảng và lấy sự phục tùng của người khác ra làm chuẩn mực, làm thước đo đánh giá hiệu quả của sự giáo dục. Sự giễu nhại ấy không chỉ thể hiện một thái độ phản kháng mạnh mẽ của Loan mà còn là tiếng chửi chua chát để họ phải tự xem lại chính mình. Bởi vậy, chính qua phát ngôn của nhân vật, người đọc thấy được tiếng nói lên án, phê phán sự độc đoán, tàn ác của những người mẹ vẫn nhân danh đạo đức Nho giáo để bộc lộ tình cảm yêu thương đối với con cái của mình.

    Bên cạnh lời đối thoại của Loan, cuộc đối thoại về tư tưởng còn được thể hiện qua phát ngôn của nhiều nhân vật khác trong Đoạn tuyệt. Lời của trạng sư tại phiên tòa xét xử Loan về tội giết chồng là lời kết án đanh thép đối với những thế lực đại diện cho lễ giáo phong kiến: “Người có tội chính là mẹ chồng Thị Loan và cái luân lý cổ hủ kia… Giữ lấy gia đình! Nhưng xin đừng lầm giữ gia đình với giữ lại nô lệ… Bị người ta bỏ tiền ra mua về và bị coi như thuộc quyền sở hữu của người ta, như thế không là nô lệ thì là gì nữa… Tha cho Thị Loan tức là các ngài làm một việc công bằng, tức là tỏ ra rằng cái chế độ gia đình vô nhân đạo kia đã đến ngày tàn và phải nhường chỗ cho chế độ gia đình khác hợp với cái đời mới bây giờ, hợp với quan niệm của những người có học mới”9. Lời kết án của trạng sư và lời tuyên “trắng án” của viên chánh án trước tòa thực sự có giá trị như một phán quyết cuối cùng nhằm nêu bật tư tưởng chống lễ giáo phong kiến và giải phóng con người cá nhân. Bởi vậy mà Đoạn tuyệt được ví như một “tuyên ngôn nhân quyền” bằng tiểu thuyết – là tiếng nói đấu tranh cho quyền tự do và bảo vệ những quyền sống chính đáng của con người.

    Giống như Đoạn tuyệt, Lạnh lùng cũng là một cuộc đối thoại tư tưởng trên nền tảng một ý thức nghệ thuật mới về con người. Cuộc đối thoại tư tưởng ấy được thể hiện thông qua sự giễu nhại, châm biếm, mỉa mai tư tưởng “tiết hạnh khả phong” trong gia đình bà Án. Mỗi khi khách đến chơi nhà, bà Án đều không ngại khoe khoang bức hoành phi cao quý có lai lịch từ bà Tổ mẫu đã ở góa thờ chồng nuôi con do nhà vua phong tặng. Bà tự hào bởi bức hoành phi ấy là tiếng nói khẳng định truyền thống đời đời tiết hạnh của gia đình bà và người đang kế tục truyền thống cao quý ấy là con dâu bà – Nhung. Chẳng có một chút xót thương nào dành cho người con trai xấu số đã chết trẻ, bà chỉ lo chăm chút cho những trò diễn giả tạo nhằm khoe khoang danh giá tiết hạnh của gia đình. Tuy nhiên, từ góc nhìn đối lập của một người phụ nữ trẻ góa bụa như Nhung, tiết hạnh là thứ gông cùm xiềng xích đối với cuộc đời nàng. “Tiết hạnh khả phong” – “cùng với hai hàm răng long, mái tóc bạc, cái phần thưởng quý hóa ấy sẽ đến để kết liễu đời nàng, đời một người đàn bà góa trẻ, ở vậy thờ chồng, giữ được vẹn toàn tiếng thơm”10. Bởi vậy, tiếng nói ngầm ẩn trong tiểu thuyết đã góp phần khẳng định: “Tiết hạnh khả phong” không phải là tôn vinh cho giá trị cao quý của người phụ nữ mà như một thứ dây ràng buộc kết liễu cuộc đời những người đàn bà góa. Cuộc đối thoại ấy đã lộn trái bản chất của sự thật, qua đó lên tiếng phê phán luân lý và đạo đức phong kiến đã đề ra những danh hiệu cao quý để tôn vinh người phụ nữ, nhưng thực chất đó lại là những giá trị giả tạo để giam hãm, bó buộc cả cuộc đời người phụ nữ.

    Như vậy, qua những trích đoạn trên, tiểu thuyết của Nhất Linh thực chất là một cuộc đối thoại lớn giữa luân lý và đạo đức Nho giáo (với ngũ luân ngũ thường, tam tòng tứ đức, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, môn đăng hộ đối, vấn đề trinh tiết, phu xướng phụ tùy…) và những tư tưởng tự do phương Tây (tự do kết hôn, tự do lựa chọn cách sống, coi bản thân là một phạm trù giá trị và cần phải tôn trọng phạm trù giá trị của từng cá nhân). Đó là tiếng nói đại diện cho một thế hệ trẻ đã thức tỉnh ý thức về quyền lợi và khát vọng của con người cá nhân trong cuộc va đập với thành trì luân lý và đạo đức phong kiến. Tiếng nói ấy phản ánh những khát khao của con người cá nhân trong việc hướng tới quyền tự do trong tình yêu, tự do trong hôn nhân, được tôn trọng nhân phẩm và danh dự. Trên tinh thần của một quan điểm nhân sinh tiến bộ, cuộc đối thoại thể hiện thái độ thẳng thắn, không ngại va chạm với quyền uy phong kiến của nhà văn. Đây cũng là một trong những đóng góp quan trọng của Nhất Linh trên phương diện nội dung tư tưởng cũng như thi pháp thể loại tiểu thuyết.

    2.2. Đối thoại trong tiểu thuyết Nhất Linh nhìn từ phương thức nghệ thuật

    Nhìn từ phương thức nghệ thuật, đối thoại trong tiểu thuyết Nhất Linh không chỉ được xem xét như một thủ pháp nghệ thuật giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhân vật mà còn là một yếu tố góp phần hiện đại hóa ngôn ngữ tiểu thuyết.

    Trước hết, trong tiểu thuyết của Nhất Linh, các hình thức đối thoại đã được sử dụng như một phương thức nghệ thuật độc đáo. Đây là một trong những dấu hiệu khẳng định tiểu thuyết Nhất Linh đã tiến được một bước dài trên con đường hiện đại hóa thể loại, đóng góp cho lịch sử thể loại một đại diện tiêu biểu cho loại hình tiểu thuyết tâm lý trong văn học Việt Nam hiện đại nửa đầu thế kỷ XX. Điều này được thể hiện thông qua việc nhà văn đã sử dụng đối thoại dưới nhiều hình thức: hình thức đối thoại thuần túy (lời đối thoại giữa hai người trong đó có một người phát ngôn và một người nhận phát ngôn; hành động đối thoại được thực hiện khi có sự luân phiên lời nói giữa hai người nhằm truyền tải một nội dung thông điệp nhất định) và đối thoại mang tính chất độc thoại (một hình thức đối thoại đặc biệt, lời đối thoại của người phát ngôn vừa hướng đến người nghe, vừa hướng vào con người bên trong của chính mình – một dạng tự nói với chính mình).

    Cần phải nhấn mạnh rằng, trong tiểu thuyết Nhất Linh, đối thoại thuần túy không chỉ giữ mục đích truyền phát thông tin mà còn là thủ pháp miêu tả tâm lý của nhân vật. Nhất Linh đã chủ ý thiết lập những cuộc đối thoại mang tính chất xung đột nhằm bộc lộ những tính cách và tâm lý trái ngược giữa các nhân vật. Những đối thoại bộc lộ xung đột này thường xảy ra giữa hai vế: một bên là thế hệ trẻ đại diện cho ý thức về cái tôi cá nhân (khắc họa những tính cách và phẩm chất tâm lý mới) và một bên là những người đại diện cho luân lý và đạo đức phong kiến. Những cuộc đối thoại giữa Nhung với bà phán, Nhung với bà Nghè trong Lạnh lùng; cuộc đối thoại giữa Loan với Thân, Loan với bà án trong Đoạn tuyệt… đều là những cuộc đối thoại không chỉ bộc lộ tính chất xung đột giữa các nhân vật mà thông qua đó còn bộc lộ tính cách, tâm lý nhân vật.

    Bên cạnh những đối thoại thuần túy, tiểu thuyết của Nhất Linh còn sử dụng nhiều hình thức đối thoại mang tính chất độc thoại. Đó là hình thức đối thoại mà ở đó nhân vật đối thoại với người khác bằng những tiếng “nói thầm”, “nói một mình”, “nói với mình”, “nói chỉ cốt cho mình nghe”. Hình thức đối thoại này xuất hiện không nhiều trong tiểu thuyết nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc biểu đạt tâm lý nhân vật. Ta có thể thấy rõ hình thức đối thoại này trong Bướm trắng: “Lưỡi Trương líu lại: chàng nói chậm chạp, vừa nói vừa nghĩ ngợi, cố phân tích lòng mình để kể ra và như thế chỉ cốt cho một mình mình nghe: – Em theo anh sao được, vì mai anh phải vào tù. Em là một con đĩ, nhưng anh còn tệ hơn em vì anh là một thằng đi lừa… quá thế nữa… một thằng ăn cắp. Lừa tiền, ăn cắp nhưng ngồi tù xong là trả được nợ; còn như đi lừa một người con gái, yêu người ta nhưng lại muốn người ta hết sức khổ vì mình, thấy người ta khổ vì mình lại sướng ngầm trong bụng… biết mình không xứng đáng nhưng cũng cố làm cho người ta trọng mình… đau khổ vì thấy mình khốn nạn nhưng lại sung sướng mong mỏi người ấy cũng khốn nạn như mình; cái tội ấy, thì không có luật pháp nào trị vì thật ra là không phải một cái tội”11.

    Những đối thoại kín, tự hướng về mình như trên có vai trò rất quan trọng trong việc biểu lộ tâm lý nhân vật. Đó thực ra không còn là một sự đối thoại để chia sẻ thông tin thông thường mà là một hành trình hướng nội để tự dằn vặt mình, lên án mình, mổ xẻ phân tích và tố cáo mình trong sự giằng xé nội tâm hết sức chân thành. Trong lúc phải đối diện với tù tội và cái chết, trong lúc đã đủ men say, người ta chỉ còn đối diện với chính lòng mình trong nỗi cô đơn, sự khủng hoảng cũng như những đớn đau giằn vặt mình, kết tội mình. Những ngập ngừng trong lời nói, những thẳng thắn bộc lộ không che đậy kể cả những dự định xấu xa… đã khiến cho người đọc có được cơ hội để hiểu lòng nhân vật, hiểu những đau đớn, dằn vặt đối với nhân vật để từ đó thêm yêu mến nhân vật.

    Đặc biệt, tính đối thoại trong tiểu thuyết của Nhất Linh giữ vai trò đặc biệt trong việc mang lại tính đa thanh cho tiểu thuyết. Điều này được thể hiện ở những tiểu đối thoại mà hình thái tiêu biểu của nó là lời văn hai giọng trong tiểu thuyết. Trong hàng loạt những biểu hiện lời văn hai giọng mà M. Bakhtin đã chỉra nhằm gợi dẫn những phân tích cụ thể về tính đối thoại như lời phong cách hóa, lời nhại, lời kể khẩu ngữ, lời tranh luận ngầm…, khi đối sánh với tiểu thuyết của Nhất Linh chúng ta có thể thấy đó là sự xuất hiện của những lời tranh luận ngầm khá tiêu biểu, có thể được xem như một ví dụ tiêu biểu về tính đối thoại trong ngôn ngữ của tiểu thuyết.

    Trong Đôi bạn, Dũng nhận được lá thư của Tạo kể về cái chết nhẹ nhàng êm ái đang đến với mình (“Tôi không sợ chết đâu, tôi cũng không buồn gì cả. Hình như lúc này tôi thấy đất mát lắm, giá nhắm mắt nằm xuống, bốn bề đất mát mẻ, rồi chẳng biết gì nữa, cũng hay hay”12). Lời tự thú của kẻ đang dần đến với cái chết đã làm cho Dũng vô cùng hoài nghi về thái độ của Tạo trước cái chết. Dũng nghĩ rằng ẩn dưới những lời thư pha giọng khôi hài vui vẻ đó là một nỗi buồn của một người biết mình sắp chết, không có ai là bạn, không có một lời an ủi. Đó cũng như lời trách móc, oán hờn Dũng. Dũng đã hỏi nhân chứng duy nhất bên cạnh Tạo trước khi Tạo mất:

    “- Lúc mất ông ấy có đau đớn lắm không?

    - Không, ông ấy chết một cách êm ái. Tôi lấy làm lạ nhất là đến lúc chết ông ấy cũng vẫn vui vẻ như thường… Có lẽ… hình như ông ấy mong mỏi cái chết.

    - Chắc vì ốm lâu quá nên thế.

    - Xem ý ông ấy thì có mong mỏi chúng tôi đến không?

    - Không thấy ông ấy tỏ ý, có lẽ ông ấy biết chắc là các ông không đến kịp.

    (…) Dũng đứng yên, hai tay buông thõng xuống, bàn tay nắm chặt lại, đương cố nghĩ xem vì cớ sao cảnh đời Tạo đối với chàng lại buồn hơn cả cái chết của Tạo. Cái chết đường chết chợ, khốn nạn như cái chết của một kẻ ăn mày. Dũng nhớ đến câu nói ông chủ đồn điền nói lúc nãy: Đến lúc chết, ông ấy vẫn vui vẻ như thường. “Thật trong lòng Tạo có vui không?”13.

    Như vậy, tính đối thoại tự nảy sinh trong phát ngôn trần thuật của nhân vật. Đó là một phát ngôn có tính mời gọi (tính khiêu khích) các đối thoại khác nảy sinh. Lời các nhân vật với tư cách là sản phẩm của những ý thức độc lập, bình đẳng, được hòa quyện vào nhau trong những tranh luận ngầm. Nó kêu gọi sự lý giải, sự cắt nghĩa khác nhau của các ý thức về cùng một lời qua đó bộc lộ tư tưởng, quan niệm của từng nhân vật. Điều này được thể hiện qua rất nhiều đoạn đối thoại khác trong Đôi bạn như:

    “Dũng nói với Hiền:
    - Bây giờ đã may chăn. Tôi sợ là sớm quá chăng?
    - Sớm thì đã làm sao?
    - Sớm quá tôi sợ lại để mốc ra mất.
    - Giời độ này hanh không sợ đâu.
    (…) Thật ra Loan sung sướng thấy có nhiều chứng cớ về việc Dũng bỏ nhà đi.
    Loan nhìn Dũng rồi đứng hẳn dậy nói:
    - Nào đi…
    Hiền nói:
    - Đã hết việc đâu mà đi. Cô giúp tôi một tay cho xong nốt chỗ này đã.
    Loan mỉm cười ngồi lại xuống:
    - Nào thì ở lại. Đi, ở lại, hai đường phân vân…
    Dũng ngồi yên lặng một lúc lâu rồi thong thả nói như khuyên Loan:
    - Cô nên ở lại”14

    Đoạn đối thoại trên đây có thể xem như một ví dụ tiêu biểu cho lời hai giọng trong tiểu thuyết. Việc may chăn sớm đối với Hiền là chuyện liên quan đến thời gian, đến sự chuẩn bị cho đám cưới được chu tất. Nhưng câu chuyện may chăn sớm đối với Loan và Dũng lại là ẩn ý về việc khác. “Tôi sợ lại để mốc ra mất” thực chất không phải vì may chăn sớm mà liên quan đến việc Dũng lên kế hoạch cho một cuộc trốn chạy khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt này. Bởi vậy, cái lẽ may chăn quá sớm đối với Dũng là thông điệp ngầm của việc sẽ chẳng cần dùng đến vì chàng sẽ ra đi. Tương tự như thế, việc “đi hay ở lại” đối với Hiền là việc lưu lại một vị trí trong không gian để giúp đỡ Hiền may xong chiếc chăn nhưng đối với Dũng và Loan lại là thái độ liên quan đến việc ra đi hay ở lại, là sự phân vân, sự băn khoăn trăn trở của Loan muốn xin ý kiến Dũng về việc có đi cùng Dũng trong chuyến đi sắp tới hay không. Bởi vậy, các ngôn từ tự đối thoại làm nảy sinh những tầng nghĩa hoàn toàn khác biệt. Trước mặt những người thân trong gia đình, đó là một thế giới riêng với những ngôn từ chỉriêng lòng họ hiểu. Đó là những tín hiệu ngầm, là những “mật chỉ” chỉ riêng họ có thể giải mã, là những đối thoại ý thức thầm kín, hình thức đối thoại nội tâm trong tiểu thuyết.

    Ngoài ra, tính đối thoại trong ngôn ngữ nghệ thuật còn được thể hiện qua lời nội tâm của chính nhân vật. Trong những lời nội tâm ấy, những ý thức khác nhau, những tư tưởng đối nghịch cũng cùng xuất hiện, xô đẩy nhau, chen lấn nhau. Điều này được thể hiện qua những lời nội tâm của Trương trong Bướm trắng: “Rồi được chết trong tay Thu còn hơn… còn hơn là chết dần chết mòn không ai thương, chết một cách khốn nạn như bây giờ. Nhưng ngay trong lúc nghĩ vậy, chàng vẫn biết có một tiếng ngầm bảo chàng: - Làm như thế là xấu lắm. Chàng tự bảo đối với chàng thì không có cái gì xấu cả, chàng là một người sắp chết đến nơi thì còn cần gì xấu với tốt. Tuy không cần gì cả, tuy việc xấu đến đâu chàng cũng có thể làm được không bao giờ mình tự khinh mình, mà chàng vẫn thấy trước rằng không thể nào làm nổi việc cưới Thu”15.

    Tóm lại, việc phân tích vấn đề đối thoại trong tiểu thuyết của Nhất Linh từ bình diện ý thức nghệ thuật và phương thức trần thuật có vai trò quan trọng trong việc khẳng định vai trò của Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa tiểu thuyết ở Việt Nam. Trên phương diện ý thức nghệ thuật, tiểu thuyết của Nhất Linh là một cuộc đối thoại lớn về tư tưởng nhằm nhận thức và định giá lại các giá trị đạo đức trong xã hội. Trên tinh thần của cuộc đối thoại, tiểu thuyết của Nhất Linh đã góp phần khẳng định và xác lập cho một quan niệm nghệ thuật mới về con người. Trên phương diện trần thuật, đối thoại không chỉ là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo mà còn là một yếu tố góp phần mang lại tính đa thanh, nhiều giọng cho tiểu thuyết. Đây cũng chính là cơ sở góp phần khẳng định những dấu ấn hiện đại hóa trong tiểu thuyết của Nhất Linh.

 

 

 

Chú thích:
* Vụ Lý luận chính trị - Ban Tuyên giáo Trung ương
1 Trần Đăng Suyền, Lê Quang Hưng (Đồng chủ biên, 2017), Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945, NXB Đại học Sư phạm, tr. 14.
2 Lại Nguyên Ân (Biên soạn, 2004), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 129.
3, 4 M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư tuyển dịch và giới thiệu, Trường Viết văn Nguyễn Du, tr. 79-80, 87.
5, 6 Trần Đình Sử (2008), Lý luận và phê bình văn học, NXB Giáo dục, tr. 341.
7, 15 Nguyễn Đăng Điệp (2016), Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại, NXB Khoa học xã hội, tr. 68, 92.
8 ,9 Nhất Linh (1961), Đoạn tuyệt, NXB Đời nay, tr. 146, 165-167.
10 Nhất Linh (2009), Lạnh lùng, NXB Văn học, tr. 155.
11 Nhất Linh (1940), Bướm trắng, NXB Đời nay, tr. 188.
12, 13, 14 Nhất Linh (2010), Đôi bạn, NXB Văn mới, California, Hoa Kỳ, tr. 119, 123, 160-161.


.

    

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận