TIẾP NHẬN VĂN CHƯƠNG CHẾ LAN VIÊN QUA CON MẮT PHÊ BÌNH CỦA ĐOÀN TRỌNG HUY

Bài viết đánh giá về hướng tiếp cận văn chương Chế Lan Viên qua một số công trình tiêu biểu của nhà nghiên cứu Đoàn Trọng Huy. Trên cơ sở đó, một lần nữa khẳng định tài năng của Chế Lan Viên và những đóng góp quý báu của Đoàn Trọng Huy trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học.

    Chế Lan Viên là nhà thơ lớn, là “thi ca chi bảo” của nền văn học Việt Nam thời hiện đại. Toàn bộ sự nghiệp văn chương-học thuật của ông thuộc về di sản quý giá của dân tộc. Di sản ấy đã được các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tiếp nhận với nhiều hướng giải mã khác nhau và đạt được những thành tựu đáng kể. Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên trở thành bức thông điệp đầy sức ám ảnh về vũ trụ-nhân sinh, về thi ca-tư tưởng, về hình tượng-ngôn từ, về triết mĩ-văn hóa… giúp cho những người cùng thời và cả “những con người tạo ra tương lai” (Nguyễn Đình Thi) nghĩ về ông và dự cảm về sức sống của thơ ông, nghĩ về những gì mà con người nghệ thuật-nhân học văn hóa Chế Lan Viên tham dự với ý nghĩa đó là những giá trị lớn mà mọi người muốn biết, cần được biết để càng tôn vinh, yêu quý một nhân cách thi sĩ tài danh.

    Nhà lý luận-phê bình văn học Đoàn Trọng Huy đã xuất phát từ những giá trị, di sản tổng thể đó của Chế Lan Viên nên đã tâm huyết, bỏ công sức để đi sâu nghiên cứu con người, sự nghiệp Chế Lan Viên theo tầm đón đợi hiện đại với các phương pháp nghiên cứu tối ưu, cập nhật. Có thể nói rằng Đoàn Trọng Huy là một trong rất ít người trở thành chuyên gia nghiên cứu sâu, liên tục làm mới, chỉra “cái khác” trong ý thức và thành tựu nghệ thuật của Chế Lan Viên ở từng bước ngoặt chuyển mình của đời sống và của nghệ thuật mà ông với tư cách là nghệ sĩ lớn đã tham dự, phát hiện và sáng tạo thành những giá trị tư tưởng thi ca độc sáng.

    Không kể các tiểu luận, các tác phẩm viết chung, chủ biên và đồng chủ biên, đến nay Đoàn Trọng Huy đã có các công trình nghiên cứu chuyên sâu riêng về Chế Lan Viên như: Nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (2006), Chế Lan Viên - Ngọn tháp thi ca hiện đại (2020), Chế Lan Viên - Đường thơ, người thơ (2020). Một kết quả nghiên cứu như vậy phải nói là đam mê, miệt mài và thao thức để làm mới, làm khác, làm đầy nghĩa và giá trị cho đối tượng. Qua các công trình trên, Đoàn Trọng Huy đã tiếp cận gần như đầy đủ về chỉnh thể tác phẩm Chế Lan Viên từ hình thức đến nội dung thông qua từng yếu tố ở cấp độ bộ phận và cấp độ tổng thể tác phẩm. Những nghiên cứu đó thực sự đã đem lại những khám phá và nhận thức mới mà với tư cách là chủ thể tiếp nhận đồng sáng tạo, Đoàn Trọng Huy đã thực sự làm người tiền trạm về nhận thức và thẩm mĩ, giúp người đọc hiểu sâu và hiểu đúng về thơ Chế Lan Viên. 

    Ở công trình Nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (2006), Đoàn Trọng Huy đã tinh tế nghiên cứu hình thức nghệ thuật thơ Chế Lan Viên ở các bình diện: ngôn từ, nhịp điệu, các biện pháp tu từ, các biểu tượng, biểu trưng, không gian và thời gian nghệ thuật, các thể loại sở trường… với nhiều phát hiện mới và bổ sung, làm nên “hình thức mang tính quan niệm” giàu biến ảo của thơ Chế Lan Viên. Đây là công trình được Đoàn Trọng Huy vận dung lý thuyết Thi pháp học từ rất sớm để nghiên cứu thơ một cách nhuần nhuyễn, tương thích nên đạt hiệu quả mới mẻ, chỉra được thi pháp hình thức và phong cách riêng cũng như sự vận động và phát triển hình thức thể loại thơ Chế Lan Viên trong nền thơ hiện đại Việt Nam một cách thuyết phục.

    Ở các công trình Chế Lan Viên - Ngọn tháp thi ca hiện đại (2020), Chế Lan Viên - Đường thơ, người thơ (2020) cùng xuất bản trong một năm nhưng được nghiền ngẫm, viết trong thời gian dài liên tục suy nghĩ đã giúp Đoàn Trọng Huy có dịp bổ sung, bổ khuyết và phát hiện mới sâu hơn nhiều bình diện thi pháp thơ Chế Lan Viên, nhất là về mặt nội dung, tư tưởng mĩ học và triết học, có một phần về nhân học văn hóa khi đi sâu tìm hiểu mối quan hệ giữa người thơ/ chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mĩ.

    Tuy không kết cấu thành chương, mục, tiểu mục với từng nội dung mang tính thao tác như một chuyên luận khoa học nhưng qua từng tiểu luận với những nội dung nghiên cứu cụ thể, liên kết chúng lại, chúng ta sẽ thấy tư duy khoa học và mục tiêu nghiên cứu của tác giả công trình là khá logic và có chủ điểm sáng rõ. Những nội dung đó tập trung làm sáng tỏ thi giới Chế Lan Viên ở những bình diện tư tưởng, thi pháp, phong cách nghệ thuật và cuối cùng chứng minh Chế Lan Viên – một hồn thơ giàu biến hóa và sáng tạo, liên tục cách tân và vận động để không ngừng đổi mới tư duy nghệ thuật và thay đổi hệ hình thi ca theo tài năng và dự cảm riêng của Chế Lan Viên với tư cách là một nhà thơ, nhà tư tưởng lớn – có ảnh hưởng sâu rộng đến cả nền thơ và kéo dài ảnh hưởng đó đến nhiều thế hệ cầm bút về sau.

    Để chứng minh cho những kết quả nghiên cứu đa dạng, phong phú của Đoàn Trọng Huy về thơ Chế Lan Viên, chúng tôi khái quát lại từng chủ điểm có tính bản chất, nền tảng của quá trình sáng tạo, tâm lý học sáng tạo và mĩ học sáng tạo mà hai công trình nói trên đã đề cập.

    Trước hết là quan niệm nghệ thuật của Chế Lan Viên. Quan niệm về nghệ thuật nói chung và về thơ nói riêng mà Chế Lan Viên phát biểu được tác giả công trình đúc kết lại như sau: Trước hết là vấn đề “cá tính sáng tạo” được Chế Lan Viên xem như sự riêng biệt của nhà thơ, đặc biệt là những nhà thơ lớn – “Cá tính, hai chữ ấy tuy gọn như vậy nhưng thực ra là một chữ khôn cùng” (Chế Lan Viên). Và Đoàn Trọng Huy đã nhận xét: “Chế Lan Viên là một cá tính sáng tạo, một phong cách nhưng ông chủ trương phải biết bao dung, trân trọng phong cách của trăm nhà, phải thưởng thức được đa dạng”, “Thực ra, trên tất cả kỹ năng, kỹ xảo về nghề là cái tầm, là tấm lòng, là tâm hồn, là tư duy nghệ thuật, là bản lĩnh nghệ sĩ. Cho nên nỗi sợ lớn nhất là tâm hồn khô cạn, là trái tim xơ cứng, thiếu cá tính”1 . Chế Lan Viên là nhà thơ lớn nên quan niệm về thơ của ông có giá trị như phương châm, như những mệnh đề có tính điển phạm cho nhiều người noi theo: “Quan niệm thơ, quan niệm nghệ thuật của Chế Lan Viên độc đáo, sáng tạo còn vì nhà thơ đã biết diễn đạt những vấn đề tinh vi, gay cấn, phức tạp, về quan điểm, về lý luận bằng cách riêng, làm cho ta thích thú. Ấy là cách nói bằng hình ảnh, cảm xúc sinh động mà sâu sắc, thấm thía: nói có lý, có tình, uyển chuyển nhưng kiên quyết, do đó giàu sức thuyết phục… Quan niệm thơ Chế Lan Viên là lời tự dặn lòng, là châm ngôn sáng tác, bản thân cũng là lời đối thoại, tâm sự nhắn nhủ và nhắc nhở bè bạn, những nhà thơ, những nghệ sĩ – những người làm ra cái đẹp cho đời”2 . Đó là những nhận xét đúng với quan niệm thơ của Chế Lan Viên.

    Tiếp đến là bàn về khuynh hướng tư duy nghệ thuật thơ Chế Lan Viên được Đoàn Trọng Huy chỉ ra thông qua sự vận hành tư duy nghệ thuật của nhà thơ theo những khuynh hướng tiến bộ, đổi mới và sáng tạo không ngừng. Đó là:

    1) Khuynh hướng khám phá, phát hiện

    Khuynh hướng này giúp nhà thơ “khai phóng tâm hồn vừa cụ thể vừa tượng trưng, khái quát: mở đường và mở hướng đi”, “nhưng, nhìn kỹ, ta sẽ thấy ông luôn thể hiện một cảm hứng lịch sử sâu sắc qua gắn bó tự nhiên, thường trực giữa hiện tại với quá khứ. Và một chiều kích khác, với tương lai, như một nhà thơ giàu mơ mộng nhất với sức tưởng tượng kỳ diệu từ những ngày đang sống. Kể cả những ước mơ có thoáng siêu thực khi nhà thơ sẽ ra đi: một thế giới khác, một cuộc sống khác” . Sự khám phá, phát hiện của Chế Lan Viên mang phẩm tính và đặc điểm riêng mà nếu “phân tích thấu đáo có thể thấy ba phẩm chất khác biệt: “Tôi” - cá thể, cá nhân đơn độc, “Ta” - cá nhân hòa hợp tập thể hay “Ta - Tôi” và “Tôi” - cá thể bản ngã, bản lĩnh đích thực đã bao gồm, chứa đựng cái “Ta” hay “Tôi - Ta”. Đầu đời, Chế Lan Viên đào rất sâu vào cái “Tôi” - bản thể triết học với quan điểm siêu hình, từ đó dẫn tới quan niệm về sự cô đơn triết học: cái tôi muốn làm “một vì sao trơ trọi cuối trời xa” và hoài nghi “Ai bảo giùm: Ta có, có Ta không?”. Những năm cuối đời, Chế Lan Viên lại đào rất sâu vào cái “Tôi”, vào thế giới tâm hồn bản thân để thấy trong sâu thẳm vẫn là “Ta”, tức cái “Tôi” hiện thực, tự hào qua trải nghiệm một đời, là đối thoại Ta và Tôi”4 .

    2) Khuynh hướng tiếp thụ và cảm hứng

    Khuynh hướng này tiếp nối và đổi mới từ Điêu tàn để tạo nên chất lãng mạn và hiện thực mới: “Cái dấu ấn của lãng mạn chủ nghĩa trong thơ Chế Lan Viên là nét hiện thực và cách mạng, lại có cả yếu tố ảo bên yếu tố thực, là hiện thực hóa những ảo mộng hôm nay”5 . Đoàn Trọng Huy thấy được phẩm tính và cảm hứng nhạy bén của Chế Lan Viên khi ông tương cảm và tương hợp với thiên nhiên để tạo thành chất thơ mang đậm yếu tố sinh thái văn hóa tinh thần và sinh thái xã hội nhân văn mạnh mẽ: “Là người nhạy cảm, Chế Lan Viên có những vần thơ được tung ra như một sự cảm ứng cần thiết để tự bảo vệ trước sự xâm hại của môi trường xã hội đã ô nhiễm… Tiếng kêu than, phẫn nộ không phải của riêng ông mà là sự phản ứng của dư luận xã hội về những cảnh “Vinh quang xí xố, danh vọng ồn ào…”, về những tư duy “Sức ì luôn trói buộc/ Cái cũ đã thành thần”, về những đảo lộn thang bậc giá trị…” 6.

    3) Khuynh hướng biểu thị, thể hiện

    Thể hiện rõ nhất của khuynh hướng này là sự lập ngôn, tài sử dụng ngôn ngữ để tạo thành diễn ngôn thơ mang tính nghệ thuật độc sáng của Chế Lan Viên: “Sự kết hợp nhuần nhuyễn trữ tình và chủ đề chính trị TẠP CHÍ LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT - 4.2023 39 đẩy thơ Chế Lan Viên lên một tầm cao mới… Chế Lan Viên tìm thấy và phát huy mạnh mẽ khuynh hướng chính luận như sở trường của mình về cảm xúc trí tuệ. Nhà thơ như viết thời sự, chính trị bằng văn vần, luận chiến ý thức hệ bằng thơ ca và mang lại những vẻ đẹp văn chương mới. Hơn nhiều người viết đương thời, ông có tài xây dựng những hình ảnh ý tưởng hay ý-hình độc đáo”7 .

    Từ việc rút ra những khuynh hướng tư duy nghệ thuật như trên, Đoàn Trọng Huy đi đến nhận định chung đúng với chất thơ Chế Lan Viên: “Những khuynh hướng đó được hình thành và phát triển theo tiến bộ nghệ thuật, thường song hành hoặc nổi trội, đan lồng xen kẽ với nhau để làm nên nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Chế Lan Viên. Điều đó có thể giúp ta khẳng định thêm tài năng sáng tạo của một nhà thơ bậc thầy, có ảnh hưởng lớn trên thi đàn hiện đại và các thế hệ thơ tương lai. Đó là biệt tài kết hợp và vận hành có hiệu quả các khuynh hướng tư duy nghệ thuật. Đồng thời làm bộc lộ rõ những phẩm chất sáng tạo: giàu có tính khoa học thực tiễn, phong phú tính mĩ cảm nghệ thuật, mạnh mẽ tính chiến đấu cách mạng”8 .

    Nghiên cứu về hành trình thơ Chế Lan Viên, nhà nghiên cứu Đoàn Trọng Huy đã thấy được sự đổi mới về thi pháp và phong cách, có biến đổi và kế thừa, có “phá” và “thay” trong từng giai đoạn, từng thời kỳ là kết quả của sự vận động tư tưởng và điểm nhìn nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật thông qua cái tôi đang tư duy của nhà thơ. Ngay cả các tính chất và thuộc tính, các yếu tố tham gia cấu thành tác phẩm như không gian-thời gian nghệ thuật, hình ảnh, hình tượng, hiện thực đời sống và phương thức biểu hiện cũng từ đó mà vận động theo để làm nên sự vận động thi pháp thể loại cụ thể: “Chế Lan Viên suy nghĩ bằng hình ảnh, đặc biệt rất sở trường loại hình ảnh-khái niệm, ý tưởng chính trị và suy tư nói chung thường biến thành hình ảnh, hoà tan vào hình ảnh, hình tượng thơ”9 . Đó chính là nét đặc sắc tạo nên sức hấp dẫn thực sự của thơ Chế Lan Viên: “Thơ Chế Lan Viên là thơ trữ tình hiện đại giàu chất sử thi. Nó có đặc trưng cơ bản là trí tuệ uyên bác, sắc sảo, độc đáo. Trí tuệ được coi như hạt nhân phong cách nghệ thuật. Sức mạnh chủ yếu của thơ Chế Lan Viên toát ra từ vẻ đẹp trí tuệ của hình tượng thơ, hình tượng đậm đặc suy tưởng với tầng tầng, lớp lớp hình ảnh lung linh nhiều màu sắc mới lạ. Sức hấp dẫn của thơ cũng từ đó.

    Thơ Chế Lan Viên toả ra “hương thầm tư duy” mạnh ở tư tưởng tổng hợp, ở sự suy tưởng mang đậm màu sắc chính luận, triết luận với lối tư duy biện luận. Cũng có thể gọi Chế Lan Viên là nhà thơ trí tuệ hoặc nhà thơ trí tuệ của cảm xúc. Chất thơ giàu trí tuệ, tài hoa là kết quả sự nỗ lực tìm tòi, khám phá, tự vượt lên mình trong tu dưỡng nghệ thuật một đời thơ. Phong cách thơ Chế Lan Viên là một phong cách lớn, phong phú, đa dạng – phong cách của những phong cách”10 .

    Đoàn Trọng Huy liên tục phát giác và phát hiện những phẩm chất thơ Chế Lan Viên và thực chứng thông qua tác phẩm để đi đến những kết luận khả tín: “Là người tài hoa, uyên bác, khát vọng không cùng về văn hoá và nghệ thuật, nhà thơ thâu lượm được tinh hoa nền thơ dân tộc và nhân loại, nhận thức được quy luật phát triển và sẵn tiềm năng sáng tạo. Tư duy trí tuệ năng động, phương pháp suy nghĩ khoa học dẫn dắt Chế Lan Viên không ngừng tìm tòi, khám phá. Nhà thơ rất có ý thức để không bao giờ dẫm chân lên con đường mòn, tuy trong thực tế không hoàn toàn tránh khỏi. Đổi mới như có tính quy luật nằm trong vận động thơ Chế Lan Viên. Chế Lan Viên là người dám tự mình trải nghiệm mạnh dạn và kiên trì, mặc dầu không phải bao giờ sự thể nghiệm cũng đem lại thành công. Điều đáng quý là ông phấn đấu và cổ vũ không ngừng cho sự nghiệp đổi mới nghệ thuật”11 .

    Những nhận định có tính đúc rút chính xác như thế phải nói rằng Đoàn Trọng Huy đã làm chủ đối tượng, làm chủ “Đời và Thơ Chế Lan Viên” một cách tối đa và sâu sắc. Ông phát hiện và minh chứng các tính chất cơ bản của thơ Chế Lan Viên cũng trên cơ sở phân tích, giải mã, bóc tách từng “hình thức mang tính quan niệm” thông qua từng yếu tố trực tiếp của ngôn ngữ; từ đó, chỉ ra những tính chất nổi bật của hình tượng thơ Chế Lan Viên là tính trí tuệ, tính chất tân kỳ, tính dân tộc hiện đại mang dấu ấn cá nhân và tư duy nghệ thuật đặc sắc, làm hiện lên một phong cách suy tưởng và triết lý mới lạ nhất của nền thơ hiện đại Việt Nam.

    Bàn về tính dân tộc-hiện đại, không gian và thời gian nghệ thuật trong thơ Chế Lan Viên cũng được Đoàn Trọng Huy phát hiện và phân tích sâu ở thi pháp độc đáo, mới lạ nhằm chỉ ra sự tinh tế và nhạy bén riêng theo cảm quan mới và sự chiếm lĩnh hoàn cảnh riêng mang tính thời sự-thời đại của nhà thơ tài danh này. Đoàn Trọng Huy cho rằng: “Thơ Chế Lan Viên là một sự tích tụ của hồn dân tộc và cả hồn thời đại, là liền mạch con đường xưa-nay, cũng là sự mở đường tới mai sau. Văn hóa thơ Chế Lan Viên được chưng cất từ nhiều tinh túy hiện đại của văn học và tư tưởng lý luận văn học thế giới cũng như của Phương Đông để làm nên chất liệu bản thể”12 . Về thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật được Đoàn Trọng Huy đúc kết: “Quan niệm nghệ thuật về thời gian của Chế Lan Viên gắn bó chặt chẽ với quan niệm nghệ thuật về không gian trong cảm quan chung: quan niệm nghệ thuật về thế giới và lịch sử. Trong quá trình sáng tác trước và sau cách mạng, quan niệm nghệ thuật ấy biến đổi mà nhất quán trong một phong cách nghệ thuật thơ đậm nét cá tính sáng tạo. Chế Lan Viên đã thể hiện tài năng xây dựng hình tượng thời gian mang nhiều nét độc đáo mà rõ nhất là suy tưởng triết học sâu đậm”13 . Không gian nghệ thuật thơ Chế Lan Viên cũng linh động và thể hiện đa dạng ở từng thời khoảng và giai đoạn trong trục tọa độ hài hòa, tương ứng với thời gian nghệ thuật: “Không gian nghệ thuật thơ Chế Lan Viên là kết quả sự nhào nặn lại, khác lạ với thơ cổ, thể hiện quan niệm nghệ thuật mới về thế giới của thi sĩ lãng mạn. Đã có sự khác biệt rõ rệt: hình tượng không gian động, không gian tâm tư riêng… Cũng từ thời này, không gian nghệ thụât thơ Chế Lan Viên đã mang khá rõ nét cá tính sáng tạo và có những nhân tố được tiếp tục phát huy trong thi pháp thơ sau 1945”14 . Không gian nghệ thuật thơ Chế Lan Viên sau 1945 chủ yếu là không gian xã hội rộng lớn, mang đậm chất đời thường vừa chứa đựng không gian sinh hoạt vừa bao hàm không gian tâm tưởng và không gian triết luận mang tính hiện đại, độc đáo: “Chế Lan Viên đã tạo dựng trong thơ một không gian nghệ thuật lung linh sắc màu, giàu cảm xúc, khoáng đạt và thấm đượm suy tư trí tuệ”15 . Đó là những phát hiện bổ sung của Đoàn Trọng Huy căn cứ ở sự tiếp nhận đồng sáng tạo dựa trên tính chỉnh thể tự trị từ thi phẩm Chế Lan Viên.

    Là người may mắn được tiếp xúc, gặp gỡ, đàm đạo về văn chương, học thuật, về chuyện sáng tác và quan niệm văn chương với Chế Lan Viên nên những gì thuộc về đường thơ, nghiệp thơ và đời thơ, người thơ Chế Lan Viên được Đoàn Trọng Huy tái hiện, nhận định đều mang tính chân xác và mới mẻ, có nhiều phát hiện bất ngờ, chủ yếu là để chứng minh Chế Lan Viên là một hiện tượng văn học, là một nhà thơ lớn của nền thơ hiện đại Việt Nam.

    Đoàn Trọng Huy chứng minh hành trình thơ Chế Lan Viên là hành trình đầy nhọc nhằn, dũng cảm vì phải qua bao thác ghềnh và khúc khuỷu cả trong hiện thực và trong tư tưởng sáng tạo nhưng rồi ông đã kiên nghị, mạnh bước lên đường, dấn thân vào con đường sáng, con đường lớn của sự bền bỉ, tin yêu và sáng tạo, và ông đã thành công: “Con đường thơ Chế Lan Viên nằm trong đại lộ văn học cách mạng, có dấu ấn đặc sắc riêng cũng như dấu ấn của dân tộc, của lịch sử thời đại. Nhà thơ đã chọn đúng đường, dũng cảm lên đường và mở đường trong cả đời thơ. Con đường thơ Chế Lan Viên là con đường sáng tạo bền bỉ và kiên cường, không hẳn trơn tru, bằng phẳng. Nhưng nhà thơ đã có hành trình vẻ vang trên con đường đó”16 .

    Con đường đó xuất phát đầy bất ngờ và ấn tượng từ sự nổi loạn trong tuyên ngôn của nhà thơ để làm nên “niềm kinh dị” cho Điêu tàn. Nhưng rồi, Chế Lan Viên gặp cách mạng, gặp Đảng và điều đó đã làm cho hồn thơ và đường thơ, tư duy thơ của ông đổi khác: “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”, “Từ chân trời một người đến chân trời tất cả”. Hành trình đó diễn ra không bình lặng mà luôn có sự năng động và vận động, phát triển liên tục trên cơ sở có biến đổi, kế thừa; có phủ định nhưng thay thế biện chứng, có sáng tạo mới và sáng tạo bổ sung. Và ở giai đoạn nào, Chế Lan Viên cũng đạt thành tựu đỉnh cao như Đoàn Trọng Huy đã nhận định: “Một giọng thơ ung dung, thanh thản thể hiện một tâm trạng tự tại, siêu thoát cao cả. Chế Lan Viên đã tìm thấy mình, cả bản ngã và bản lĩnh nghệ thuật đã “bay cho đến được chính mình”. Nhà thơ biểu hiện khát khao khôn cùng và tận lực tự đổi mới để tìm một tầm cao mới. Có thể nhận định thống nhất: Di cảo thơ là một đỉnh cao nghệ thuật mới trong đời thơ Chế Lan Viên. Có những phát triển mới về thi pháp, có những đặc điểm phong cách thơ với biểu hiện vừa ổn định vừa đổi mới. Đó là thành tựu của cả một đời thơ dám hết mình cho cái thật, cái tốt, cái đẹp của nghệ thuật cách mạng…

    Rất biết mình, luôn luôn tự đổi mới theo quy luật tiếp biến, nhà thơ đã ra sức phát huy tiềm lực ban đầu, tạo ra những năng lực sáng tạo mới đầy biến hóa cho đến cuối đời thơ. Có thể ví Di cảo thơ vẫn có bóng dáng Điêu tàn khác nào hình ảnh tháp lồng vào tháp, tháp chồng lên tháp – như sự thăng hoa được kết tụ chung cuộc một nghiệp thơ của thi hào thế kỷ Chế Lan Viên”17 . Sự vận động thi pháp và thành tựu thơ Chế Lan Viên luôn tiệm biến/ tịnh tiến và đột biến đổi mới trên suốt hành trình sáng tạo từ trước 1945 đến giai đoạn 1945-1954,rồi 1954-1964, 1964-1975 và cuối cùng là 1975 đến khi ông từ giã cõi đời, lưu lại bộ 3 tập Di cảo thơ đầy bất ngờ, giàu tính dự cảm và dự báo về cuộc đời, nhân sinh và nghệ thuật theo khuynh hướng đổi mới từ yêu cầu tiến bộ nghệ thuật nhưng không hề đơn giản: “Ông thực lòng mong muốn thay đổi cách nhìn, cách nghĩ. Cái vui sinh nở phải trải qua quá trình quặn đau; đổi mới tư duy nghệ thuật cũng vậy, không hề đơn giản, không hề xuôi chiều. Cố nhiên, từ mong muốn đến thực tế vẫn còn khoảng cách… Nhưng trên tất cả, ta cảm nhận thấm thía một hồn thơ luôn khắc khoải về cuộc đời và triết lý nhân sinh sâu sắc. Qua đó, ta thêm thấu hiểu một nhà thơ có phẩm cách nghệ sĩ chân chính, biết trăn trở không ngừng tự đổi mới với sức mạnh bản thân hiếm có, dám hết mình cống hiến cho cái thật, cái tốt, cái đẹp của nghệ thuật cách mạng”18 .

    Từ hành trình thơ đến thành tựu thơ và phẩm tính, vị trí của nhà thơ trong nền văn học là cả một hiệu quả có điều kiện và phải thực chứng bằng tài năng và sự nghiệp được thử thách và công nhận của độc giả qua thời gian. Phẩm tính và chất thơ suy tưởng, triết lý của Chế Lan Viên đã được mọi người thừa nhận và xem ông là thi nhân-triết nhân bởi sự kết hợp hài hòa và tài hoa giữa nghệ thuật thi ca và tư duy triết học mà ông có ý thức thể hiện: “Nhà thơ – theo Chế Lan Viên – phải có tài, có đức nhưng cao hơn đạo đức thông thường như luân lý, còn phải có đạo – tức đạo lý với nghệ thuật, tất nhiên phải tu dưỡng suốt đời để đắc đạo. Thơ triết lý Chế Lan Viên vì vậy nhiều khi hiện ra với dạng châm ngôn, cách ngôn của thời nay… Vẻ đẹp trí tuệ trong thơ, trong đó có suy tưởng triết lý tạo được nhiều hấp dẫn, có sức thuyết phục. Bởi một lẽ cơ bản là vẻ đẹp có giá trị độc đáo ấy được sáng tạo bằng một nghệ thuật điêu luyện, nhuần nhuyễn của nhà thơ triết gia Chế Lan Viên”19 .

    Chính điều đó đã thể hiện cái “Tôi” và bản lĩnh nghệ thuật của một tài thơ suốt đời đi tìm chân lý nghệ thuật qua chân lý đời sống và nền tảng văn hóa, sức mạnh ngôn ngữ của dân tộc mình. Vốn triết mĩ và văn hóa cao sâu của Chế Lan Viên càng làm cho chất triết lý trong thơ ông có điều kiện tích hợp, kết tinh và tỏa phát, tạo thành tính liên văn bản và liên văn hóa mới lạ, có khả năng vẫy gọi liên chủ thể tiếp nhận lâu bền và khả năng tạo sinh nghĩa bất ngờ. Chế Lan Viên trở thành ngọn tháp tỏa ánh sáng lạ suốt từ Điêu tàn đến Di cảo thơ, nhìn từ hôm nay, cả hôm qua và mãi đến mai sau, Hoài Thanh đã viết trong Thi nhân Việt Nam: “Chế Lan Viên xuất hiện như một ngọn tháp sừng sững, lẻ loi, bí mật. Hình ảnh tuyệt vời đó còn đúng tới ngày nay: Chế Lan Viên vẫn là một đỉnh tháp cao vời, đẹp một cách kỳ bí, như một trong rất ít kỳ quan của thơ ca hiện đại Việt Nam, và biết đâu, còn là của thơ thế giới vì mang tính độc đáo về vẻ đẹp và tầm vóc”20 . Vì vậy mà Chế Lan Viên luôn đồng hành trên con đường lớn của cuộc sống và thi ca với chúng ta.

    Vị trí và nhân cách công dân, nhân cách thi sĩ, nhân cách văn hóa của ông được Đoàn Trọng Huy đúc kết thành những định danh và định ngữ cao đẹp, xem đó như là sự đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp một nhà thơ lớn của dân tộc: “Ông biết kết hợp được nhiều nhân cách văn hoá. Là nhà thơ-nhà chính trị, nhà thơ-nhà tư tưởng, nhà thơ-nhà đạo đức, nhà thơ-nhà giáo dục, nhà thơ-nhà văn hoá… Sự kết hợp ấy là tuyệt diệu trong nhiều trường hợp: thi nhân-triết nhân-tình nhân, nhà thơ-nghệ sĩ-chiến sĩ… Ông kết tụ được nhiều con người trong con người, cũng lại phát hiện ra con người trong con người: con người đa đoan, đa sự, con người không trùng khít với chính nó, “một cuộc đời mà biết mấy đa đoan”. Trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, Chế Lan Viên đã “mang số phận vào người” như một định mệnh, với những vai trò lịch sử”21 .

    Toàn bộ sự nghiệp thi ca và sự nghiệp cách mạng của Chế Lan Viên đã trở thành di sản quý giá của dân tộc: “Ông là nhà thơ đang đồng hành với chúng ta như người cầm bút chiến đấu vẫn vững bước, là thi nhân mà những sáng tạo nghệ thuật chưa kết thúc. Ta nhớ Chế Lan Viên, nhớ một tâm hồn cao cả, một trí tuệ sáng láng, một tấm lòng rộng mở, một tinh thần cách mạng tiến công mạnh mẽ”22 . “Ông luôn có mặt trên đường với chúng ta như người bạn đường, người thầy, người chỉ dẫn, lại như nhà tư vấn, nhà tiên tri”23 đang suy nghĩ, tìm đường để hướng tới tương lai hạnh phúc và rộng mở.

    Nhà nghiên cứu Đoàn Trọng Huy đã dọc theo hành trình sống và hành trình thơ Chế Lan Viên để đồng hiện một cuộc đời đầy âm vang, một sự nghiệp văn chương rực rỡ để mọi người cùng yêu kính và ngưỡng mộ một nhà thơ, nhà văn hóa tài danh của dân tộc. Xin cảm ơn và đồng cảm những kết quả nghiên cứu đã công bố và chờ đón những kết quả nghiên cứu mới về Chế Lan Viên của nhà nghiên cứu-phê bình Đoàn Trọng Huy.

 

 

 

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 Đoàn Trọng Huy (2020), Chế Lan Viên Ngọn tháp thi ca hiện đại , NXB. Văn hóa văn nghệ, tr.15-19, tr.28-30, tr.33, tr.33, tr.35, tr.37, tr.38, tr.41, tr.46, tr.51-52, tr.56, tr.70, tr.78, tr.90, tr.101.
16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23 Đoàn Trọng Huy (2020), Chế Lan Viên - Đường thơ, người thơ, NXB. Văn học, tr.20, tr.34- 35, tr.49-57, tr.89, tr.232, tr.236, tr.251, tr.278
.

Bình luận

    Chưa có bình luận