HỘI THẢO KHOA HỌC ''THẾ GIỚI NHẠC, HOẠ, THƠ CỦA VĂN CAO''

Sáng 8/11, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề ''Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao''. Hội thảo được tổ chức vào thời điểm còn đúng 1 tuần nữa là tròn 100 năm Ngày sinh của Văn Cao - nghệ sĩ đa tài, cây đại thụ hàng đầu của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại.

 

    Các đồng chí Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.

    Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Nam Định và thành phố Hải Phòng; các đơn vị nội dung của Báo Nhân Dân; các thành viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; các văn nghệ sĩ, các tác giả có tham luận; đại diện Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương, địa phương; đại diện gia đình cố nghệ sĩ Văn Cao; các phóng viên báo, đài, tạp chí ở Trung ương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

    Hội thảo nhận được sự quan tâm, tham dự của các đồng chí: PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham quan khu trưng bày, chiêm ngưỡng bộ sưu tập 100 bức tranh minh họa và 100 bìa sách do ông vẽ; đồng chí Lê Quốc Minh và đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đã trao tặng gia đình cố nghệ sĩ Văn Cao bức tranh khắc đồng bài hát Mùa xuân đầu tiên. Điểm đặc biệt của bức tranh này là dùng công nghệ để chép lại bài hát bằng thủ bút của ông. Sản phẩm này đã được gia đình cố nghệ sĩ công nhận.

    Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: Nhiều nhà văn hóa lớn, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ có tên tuổi đều đánh giá Văn Cao là nghệ sĩ tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mĩ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn. Ông là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Gọi ông là nghệ sĩ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời.


PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ phát biểu Đề dẫn Hội thảo.

    Ông nhấn mạnh: Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ XX nhiều biến động. Trên hành trình cuộc đời ấy, dẫu không ít chông gai, sóng gió, ám ảnh: “Có tuổi thanh niên/ Như cây mùa xuân mới mọc/ Bị tước dần vỏ non”… Nhưng vượt lên tất cả, lối sống khiêm nhường, bình dị, nhẫn nhịn; tình yêu thương và trân trọng con người, cỏ cây, phố xá, làng quê, đất nước đã giúp ông vượt lên nỗi đau, nỗi bất hạnh, luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ. 

    Tại Hội thảo, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tập trung làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề cơ bản:

    1) Những phẩm chất, tài năng xuất chúng của Văn Cao; lý giải mạch nguồn làm nên phẩm chất, tài năng ấy.

    2) Những đặc điểm, những giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật các tác phẩm của Văn Cao ở các giai đoạn, trong các lĩnh vực: nhạc, họa, thơ để thấy rõ hơn, sâu sắc hơn đâu là tài năng thiên bẩm, đâu là hoàn cảnh và những nỗ lực sáng tạo, khai phá, đổi mới trong nghệ thuật của Văn Cao.

    3) Sự nghiệp, những cống hiến, giá trị và di sản văn nghệ lớn lao mà Văn Cao để lại cho đời để thêm một lần nữa khẳng định vị thế, tầm vóc, cống hiến hết sức quan trọng của Văn Cao trong tiến trình phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học.

    Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 24 bài tham luận của các nhà khoa học trong nước (ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam). Số lượng và chất lượng các tham luận cho thấy tâm huyết; tinh thần làm việc rất nghiêm túc; hàm lượng khoa học cao trong các tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình với chủ đề Hội thảo và tình cảm, sự kính trọng sâu sắc Nhạc sĩ, Họa sĩ, Nhà thơ Văn Cao.

    Theo GS Phong Lê: “Nói Văn Cao, không chỉ ở thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm năm sinh của ông, mà ngay từ 1945, đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn mà cả dân tộc Việt, nhân dân Việt, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già không ai không biết đến và chịu ơn”.


GS Phong Lê phát biểu tại Hội thảo.

    PGS, TS Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam – chia sẻ: “Mỗi một ngày mới trên đất mẹ Việt Nam thân yêu và nhiều nơi trên thế giới, giai điệu Tiến quân ca – Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – mà tác giả là nhạc sĩ Văn Cao lỗi lạc lại vang lên hùng tráng, tràn đầy niềm tự hào dân tộc, gợi nhắc lòng ta tưởng nhớ tới một nghệ sĩ tài hoa, một chiến sĩ cách mạng, một nhạc sĩ đầu đàn của nền âm nhạc chuyên nghiệp nước ta”. 


PGS, TS Đỗ Hồng Quân phát biểu tại Hội thảo.

    Nhạc sĩ, TS Doãn Nho cho biết: “Tiến quân ca được viết từ trái tim của một chiến sĩ cách mạng thực thụ, ông đã trực tiếp cầm súng cùng đội biệt động làm nhiệm vụ đi diệt và cảnh cáo bọn Việt gian trong thời điểm cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đã cận kề!”.

    Kết quả của Hội thảo là cơ sở để Ban Tổ chức xây dựng các luận cứ khoa học tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng những chủ trương, chính sách và có những biện pháp phù hợp trong việc ghi nhận, tôn vinh và bảo tồn những tác phẩm vô giá, những cống hiến lớn lao của Văn Cao nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung; giữ gìn và phát huy giá trị của những tác phẩm văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

    Sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ biên tập các bài tham luận, in Kỷ yếu chính thức. Đây là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho các cơ quan và những người làm công tác quản lý, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ; các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước.

    Một số hình ảnh tại Hội thảo:










DƯƠNG HUYỀN TRANG

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận