TỌA ĐÀM KHOA HỌC ''ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ SÁNG TÁC VÀ LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐA NGÀNH – NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN''

Trong khuôn khổ hoạt động của các tiểu ban chuyên môn của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, sáng 27/10, tại Hà Nội, Tiểu ban Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong nhà trường đã tổ chức "Tọa đàm khoa học với chủ đề Đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành – những vấn đề lý luận và thực tiễn".

 

    Đồng chủ trì Tọa đàm gồm có các Ủy viên Hội đồng: PGS, TS Phạm Xuân Thạch, PGS, TS Nguyễn Thành, là Trưởng và Phó Trưởng Tiểu ban Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong nhà trường.

    Tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà giáo, nhà hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật từ các cơ sở giáo dục đại học và những cơ quan truyền thông liên quan đến văn học, nghệ thuật, như: PGS, TS Phạm Quỳnh Phương, TS Trần Hậu Yên Thế, Nhà văn Nguyễn Trương Quý (Khoa Các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội); PGS, TS Nguyễn Như Trang, TS Nguyễn Thị Năm Hoàng (Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS Đào Lê Na (Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam (Báo Nhân dân)...

    Báo cáo đề dẫn Tọa đàm nhấn mạnh: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Điều đó được thể hiện rõ trong hệ thống văn kiện, trong các nghị quyết Đại hội của Đảng và đặc biệt, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021. Để văn học, nghệ thuật phát triển đúng với những kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, tương xứng với vị thế quốc gia và đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững đất nước thì vấn đề đào tạo đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được đặt ra một cách bức thiết. Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ban hành Đề án đào tạo nguồn nhân lực văn hoá, nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 (Đề án này bắt đầu triển khai từ 2017). Trong đề án xác định rõ 6 lĩnh vực và 01 ngành được thụ hưởng gồm: âm nhạc, mĩ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, lý luận và sáng tác văn học (QĐ số 1437- QĐ/TTg ngày 19 tháng 7 năm 2016). Điều đó cho thấy sự quan tâm và quyết tâm của Đảng và Nhà nước dành cho sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực văn học, nghệ thuật là rất lớn. 


PGS, TS Nguyễn Xuân Thạch phát biểu đề dẫn Tọa đàm.

    Bên cạnh việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài thì việc thúc đẩy đào tạo trong nước vẫn là một hướng quan trọng để bổ sung nguồn nhân lực cho lĩnh vực sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Thực tế cho thấy trong lĩnh vực đào tạo ở Việt Nam hiện nay, trong khoảng mười năm gần đây, đã có một sự biến đổi quan trọng theo hướng đa dạng hoá loại hình đào tạo. Nếu như trước đây, việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này chủ yếu do các trường chuyên ngành (hệ thống trường nghệ thuật dân sự và quân đội)  và trường sư phạm chuyên ngành (trường sư phạm chuyên ngành nghệ thuật) đảm nhiệm thì trong khoảng mười năm trở lại đây, các chương trình đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình nghệ thuật bắt đầu được các trường đại học, cả trong khối công lập và ngoài công lập, triển khai xây dựng và tuyển sinh. Điển hình là việc giảng dạy điện ảnh, thiết kế, sáng tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội; việc dạy nghệ thuật học ở Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, việc dạy sáng tác và phê bình văn học ở một số trường đại học nước ngoài trong đó có Fulbright và việc dạy điện ảnh, nghệ thuật thị giác ở nhiều trường đại học ngoài công lập. Đương nhiên, nguồn nhân lực chủ yếu trong lĩnh vực sáng tác và một bộ phận của lực lượng lý luận, phê bình nghệ thuật vẫn được đào tạo trong các trường chuyên ngành nhưng thực tế cho thấy, nguồn nhân lực được đào tạo từ các trường đa ngành trong khối đại học đang có sự tham gia tích cực vào thị trường lao động, nhận được sự phản hồi tích cực từ phía nhà tuyển dụng. Hơn thế nữa, việc đào tạo nhân lực nghệ thuật trong các trường đa ngành cũng là một khuynh hướng phổ biến trên thế giới. Trong những năm tới, khuynh hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển (tương tự như việc đào tạo ngành Y tại các trường đại học đa ngành và đại học ngoài công lập). Hiện nhiều trường đại học đã có những dự án đầu tư lớn cho lĩnh vực đào tạo này, đặc biệt là ở khối tư nhân và khối nước ngoài.

    Tổ chức Toạ đàm khoa học này Tiểu ban Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong nhà trường hướng tới bước đầu tổng kết hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật (bao gồm cả sáng tác và lý luận, phê bình) ở những đại học vốn chỉ có truyền thống nghiên cứu khoa học cơ bản và đào tạo đa lĩnh vực. 


Quang cảnh buổi Tọa đàm khoa học. 

    Tham luận tại tọa đàm, TS Trần Hậu Yên Thế cho rằng: Trong quá khứ, đã từng tồn tại những mô hình đào tạo nhân lực văn học, nghệ thuật gắn với các đại học đa ngành, đa lĩnh vực mà một trong những kinh nghiệm có giá trị chính là những thành công của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương, một cơ sở giáo dục nằm trong Đại học Đông Dương. Với tầm nhìn của người sáng lập, hoạ sĩ V. Tardieu, nhờ được gắn kết với những kiến thức nhân văn đa dạng của Đại học Đông Dương nên sinh viên Mĩ thuật Đông Dương không chỉ tinh thông nghề nghiệp mà có kiến thức lý luận và nhân văn sâu sắc và đó chính là nền tảng cho một “thế hệ vàng” của Hội hoạ Việt Nam. PGS, TS Phạm Quỳnh Phương chia sẻ: Việc đào tạo nhân lực văn học, nghệ thuật hiện nay cần phải được đặt trong một bối cảnh mới: bối cảnh của ngành công nghiệp văn hoá. Đồng quan điểm này, TS Đào Lê Na, TS Nguyễn Thị Năm Hoàng phân tích thêm: công nghiệp văn hoá tạo nên những không gian thực hành nghề nghiệp vượt khỏi giới hạn của những bộ môn nghệ thuật truyền thống và đòi hỏi nguồn nhân lực đa dạng hơn. Thực tiễn đó đòi hỏi phải có sự chuyển hướng của đào tạo đại học, trên cơ sở một tư duy mới mang tính liên ngành, đặt nền tảng trên tinh thần hiện đại và tính dân tộc. Điều này đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới và bước đầu đã được một số trường đại học ở Việt Nam, trong đó có hai đại học quốc gia ứng dụng. Từ đây, đã bắt đầu xuất hiện một số mô hình mới trong đào tạo từ những lĩnh vực tương đối truyền thống như biên kịch, đạo diễn đến những lĩnh vực mang tính đương đại như nghệ thuật đương đại và công nghiệp văn hoá, sáng tạo. PGS, TS Nguyễn Thị Như Trang, Nhà văn Nguyễn Trương Quý khẳng định: bối cảnh mới đòi hỏi đào tạo lý luận, phê bình và sáng tác nghệ thuật truyền thống phải có những bước đổi mới mạnh mẽ, trước hết về tư duy đào tạo: hướng đến chuẩn đầu ra linh hoạt và đa dạng, mang tính liên ngành sâu sắc, đặt trên nền tảng của những kiến thức nhân văn cơ bản.



Các đại biểu trao đổi tại buổi Tọa đàm.

    Khảo sát sự phát triển của các mô hình đào tạo nhân lực văn học, nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành, có thể thấy đây là một xu thế tất yếu, xu thế này sẽ còn diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, trong khối công lập cũng như khối tư thục hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế đó đòi hỏi các cấp quản lý cần có một sự đổi mới tư duy, điều chỉnh chính sách phù hợp, tạo sự bình đẳng giữa mô hình đào tạo này và mô hình đào tạo truyền thống, tận dụng được thế mạnh của mỗi mô hình để đóng góp vào sự phát triển của văn học, nghệ thuật cũng như của lĩnh vực công nghiệp văn hoá, đúng theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng về văn hoá trong thời gian vừa qua.

    Tại buổi Tọa đàm, các nhà khoa học đã đề ra một số giải pháp có tính khả thi về đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành thời gian tới.

DƯƠNG HUYỀN TRANG

    

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận