Nga và Việt Nam có mối quan hệ sâu sắc trên nhiều lĩnh vực.
Trong khi tân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới tới Matxcơva, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tham gia Học viện Sáng tác Nhạc Trẻ Quốc tế lần thứ XIV tại thị trấn nhỏ Tchaikovsky nằm bên bờ sông Kama hùng vĩ ở vùng Perm của Nga. Tên của Tchaikovsky đã được đặt cho thị trấn này bởi vì nhạc sĩ vĩ đại Piotr Tchaikovsky sinh ra cách đó không xa, ở thành phố Votkinsk.
Trường học dành cho các nhạc sĩ và nghệ sĩ trẻ
Đây là lần thứ mười bốn thị trấn Tchaikovsky quy tụ các nhà soạn nhạc, nghệ sĩ chơi nhạc, nhà nghiên cứu âm nhạc và nhà phê bình âm nhạc trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Trong hai tuần lễ, những người này lắng nghe các bài giảng và tác phẩm của các nhà soạn nhạc xuất sắc đương đại, trò chuyện với họ về cuộc sống và ngành sáng tác âm nhạc. Các tác phẩm được sáng tác trong hai tuần này được biểu diễn bởi các nhóm hòa tấu của Học viện - Đoàn nhạc đương đại Matxcơva, nhóm nhạc điện tử CEAM-Artists và nhóm thanh nhạc N'Caged – tại thị trấn Tchaikovsky và ở Matxcơva. Trong những năm qua, Học viện đã triển khai hàng chục dự án quốc tế, đã đào tạo hơn 180 nhà soạn nhạc trẻ đến từ Nga từ 45 quốc gia, tổ chức hơn 100 buổi hòa nhạc và bài giảng âm nhạc đương đại cũng như hàng trăm buổi trình diễn âm nhạc của các nhạc sĩ trẻ. Năm nay, đại diện của 31 quốc gia đã gửi 200 đơn đăng ký tham gia Học viện. Trong số đó, ban tổ chức đã chọn 36 nhà soạn nhạc, nghệ sĩ chơi nhạc và nhà sản xuất âm nhạc trẻ. Trong số các giáo viên của Học viện có các nhà soạn nhạc đến từ Nga và Việt Nam, Đức, Pháp và Trung Quốc, Iran và Azerbaijan.
Đỗ Hồng Quân tại Học viện Nhạc sĩ Trẻ Quốc tế lần thứ XIV
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Sputnik, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói: “Theo tôi, hình thức đào tạo này rất thú vị và hữu ích, nó giúp các nhà soạn nhạc trẻ tìm ra những con đường sáng tạo mới, độc đáo.Tôi giảng bài và trả lời các câu hỏi của nhạc sĩ trẻ. Tôi đã viết bản nhạc cụ “Xuống núi” để biểu diễn tại Học viện. Leo lên đỉnh núi đã khó, nhưng đi xuống còn khó hơn nhiều. Bạn phải can đảm và kiên trì để giữ bình tĩnh từng bước một xuống từ đỉnh núi cuộc đời và sống những năm cuối đời một cách đàng hoàng. Đối với tôi, việc tham gia Học viện rất hữu ích. Tôi đã nghe các bài giảng và làm quen với tác phẩm của các nhà soạn nhạc đến từ các quốc gia khác nhau, thưởng thích âm nhạc ứng tác và âm nhạc điện tử trong các lớp học về các thể loại âm nhạc này, đồng thời thích giao lưu với giới trẻ sáng tạo”.
Đỗ Hồng Quân tại Học viện Nhạc sĩ Trẻ Quốc tế lần thứ XIV
Chúng ta cần nghe giọng quê hương
Trong bài giảng của mình, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cố gắng truyền tải đến các nhạc sĩ trẻ suy nghĩ của mình về vấn đề quan trọng nhất: ảnh hưởng của truyền thống đến tính hiện đại trong âm nhạc.
“Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn về truyền thống của dòng nhạc quê hương. Chỉ khi dựa vào truyền thống âm nhạc dân gian, vào văn hóa dân tộc, bạn mới có những ý tưởng mới, triết lý mới. Một giai điệu không xuất hiện từ không khí mà xuất phát từ trái tim bạn, hòa nhịp với trái tim mọi người. Bạn cần nghiên cứu sâu về âm nhạc của đất nước bạn, của các quốc gia khác cũng như âm nhạc cổ điển. Nếu bạn làm như vậy thì âm nhạc của bạn sẽ sống động - âm nhạc của cá nhân bạn sẽ được làm giàu bằng kho tàng trải nghiệm âm nhạc của nhiều thế hệ. Theo quan điểm của tôi, và tất cả các nhà soạn nhạc đến từ các quốc gia khác đều đồng ý với tôi, bạn cần viết nốt nhạc bằng tay - đây là con đường trực tiếp từ trái tim bạn - chứ không phải trên máy tính. Và thông qua âm nhạc, bạn sẽ gửi gắm cảm xúc, nguồn cảm hứng của mình đến người nghe”.
Thị trấn Tchaikovsky
Các nhà soạn nhạc trẻ đến từ các quốc gia khác nhau quan tâm đến cuộc sống và hoạt động của các nhà soạn nhạc và nhạc sĩ cổ điển tại Việt Nam. Ông Đỗ Hồng Quân cho biết, nhiều nhạc sĩ trẻ sau khi tốt nghiệp nhạc viện không tìm được việc làm và chuyển sang kinh doanh thương mại. Nhạc nhẹ hiện đang “ngự trị” ở Việt Nam: tiêu biểu là pop, rock, jazz. Để quảng bá các tác phẩm mới của nhạc cổ điển (giao hưởng, nhạc cụ), cần có rất nhiều tiền. Nhiều nhà soạn nhạc lớn của Việt Nam đã được đào tạo tại các nhạc viện của Liên Xô. Ngày nay nhiều nhạc sĩ sang Tây học và ít người về Việt Nam. Ngoài ra, công chúng Việt Nam chưa cảm nhận tốt về nhạc giao hưởng hiện đại và phải trải qua một quá trình giáo dục âm nhạc lâu dài.
Đỗ Hồng Quân tại Học viện Nhạc sĩ Trẻ Quốc tế lần thứ XIV
Văn hóa là con đường dẫn đến hiểu biết và yêu thương
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam bao gồm 10 hội sáng tạo, tác giả các tác phẩm giao hưởng, nhạc cụ, nhạc phim và sân khấu. Ông đã học Piano và sáng tác tại Nhạc viện Quốc gia mang tên Tchaikovsky ở Mátxcơva, học liền một mạch tới 10 năm và tốt nghiệp bằng tiến sĩ. Đó là lý do ông Đỗ Hồng Quân có thái độ đặc biệt với Nga. Ông là một vị khách được chào đón một cách thân mật ở Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Ví dụ, vào năm 2019 và 2022, ông là thành viên ban giám khảo các cuộc thi quốc tế dành cho các nghệ sĩ chơi nhạc và nhà soạn nhạc ở Matxcơva. Ông cho rằng, sự tương tác văn hóa giữa Nga và Việt Nam cần phải mạnh mẽ hơn nữa.
“Điều cần thiết là Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam và Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga phải được tổ chức thường xuyên hơn, không chỉ ở Mátxcơva, St. Petersburg, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở các thành phố khác, trong đó có vùng Viễn Đông của Nga. Cần tổ chức thường xuyên hơn nữa các hoạt động trao đổi giữa các nhóm sáng tạo cũng như sinh viên các trường đại học sáng tạo. Ở Việt Nam nhiều người vẫn yêu văn hóa Nga, âm nhạc Nga, đọc những tác phẩm kinh điển của nền văn học Nga, nhớ những bài thơ, bài hát Nga. Truyền thống này không thể bị mất”, - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, cho biết.
Nguồn: kevesko.vn